Thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông mà những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giúp đỡ chở người bị thương đi cấp cứu bị người thân của người bị tai nạn giao thông hiểu nhầm. Vì vậy, góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, cần lưu ý quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông và người liên quan có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông quy định.
Theo đó, tại Điều 80, khoản 2 có quy định: trách nhiệm của người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông nhưng chưa có quy định hậu quả pháp lý của họ nếu họ không thực hiện trách nhiệm đó.
Đại biểu Tô Văn Tám góp ý, nên quy định trách nhiệm của của người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn, nhưng nếu họ không thực hiện trách nhiệm thì xử lý thế nào thì lại không có quy định, cho nên có thể họ không thực hiện.
Mặt khác, những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông và người điều khiển phương tiện khác khi đi qua điểm xảy ra tai nạn giao thông và chở người bị thương đi cấp cứu, rất dễ bị người thân của người bị tai nạn giao thông hiểu nhầm.
"Trên thực tế đã có những hành vi hành hung những người này hoặc có thể gặp phải những phiền phức khác. Bởi vậy, tôi nghĩ cần có những quy định bảo vệ những người này trong luật” - đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm.
|
Các Đại biểu tham gia họp và góp ý về Luật Trật tự ATGT. Ảnh: Quochoi |
Cũng có ý kiến về vấn đề này, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, quy định hành vi cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ khi có điều kiện cũng được chế định trong pháp luật dân sự. Đây là quy định mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội của mọi người.
Tuy nhiên, theo đại biểu, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trước đây và dự thảo luật này chưa thể chế rõ các nội dung liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện cũng như bảo đảm việc bảo vệ người đã chấp hành đúng quy định pháp luật cứu người bị tai nạn kịp thời.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương nêu quan điểm: “Nhiều trường hợp người tham gia giúp đỡ người bị tai nạn giao thông bị liên lụy, làm ơn mắc oán hoặc mất nhiều thời gian để thực hiện các trình tự, thủ tục điều tra, xử lý tai nạn giao thông của cơ quan chức năng nên dẫn đến tâm lý e ngại không tham gia cứu nạn, giúp đỡ người bị nạn theo quy định. Do vậy, đề nghị cần chế định rõ trong luật các biện pháp bảo vệ người tham gia giúp đỡ người bị tai nạn giao thông để người dân an tâm thực hiện việc giúp đỡ người bị tai nạn”.