Cân nhắc không nên quy định việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn, cầu vượt để trông, giữ phương tiện

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo nội dung Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thay thế Luật năm 2001, gồm 08 chương với 89 điều, được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là hết sức cần thiết.
Về mục đích xây dựng luật, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.
Về quan điểm xây dựng Luật, Bộ trưởng cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có tác động đối với tiến trình phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước và dựa trên các quan điểm sau đây: phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật mới được ban hành; bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện quy định còn phù hợp với thực tế, sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh, thông thoáng, bình đẳng trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải.
Về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng cho biết, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh, theo đó Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chỉ quy định đến các nội dung liên quan đến: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Đối với bố cục và nội dung chính của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), trên cơ sở Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020, hiện nay dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 102 Điều. So với Luật Giao thông đường bộ 2008 dự thảo Luật đã bỏ 02 Chương: Chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và Chương về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (02 Chương này đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ).
Cụ thể: Chương I, Những quy định chung gồm 08 Điều (từ Điều 1 đến Điều 8), so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung thêm quy định về cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ được thiết kế, xây dựng, vận hành theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, được kết nối, chia sẻ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Chương II, Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 41 Điều (từ Điều 9 đến Điều 49). Chương III - Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm 10 Điều (Điều 50 - Điều 59). Chương IV - Vận tải đường bộ gồm 34 Điều (từ Điều 60 đến Điều 93). Chương V - Quản lý nhà nước về giao thông vận tải gồm 07 Điều (từ Điều 94 đến Điều 100). Chương VI - Điều khoản thi hành gồm 02 Điều (Điều 101 - Điều 102) quy định về hiệu lực thi hành của dự thảo Luật.
Trên cơ sở Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức phiên họp thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Về sự cần thiết ban hành Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật này để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất và không chuyển thẩm quyền quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 theo hướng tách thành hai Luật riêng biệt.

Thẩm tra về các nội dung cụ thể của Dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), một số ý kiến cho rằng, quy định về “phương tiện giao thông đường bộ” tại Điều 1 dự thảo Luật trùng với quy định về “phương tiện tham gia giao thông đường bộ” tại Điều 1 dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên đề nghị quy định giới hạn nội dung điều chỉnh trong hai dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của” vào trước cụm từ “phương tiện giao thông đường bộ” và chỉnh sửa Điều 1 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để phân định rõ phạm vi, nội dung điều chỉnh, trách nhiệm quản lý nhà nước về phương tiện giao thông đường bộ trong hai dự thảo Luật.

Ủy ban Quốc phòng và an ninh cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đề nghị tiếp tục rà soát, phân biệt rõ phạm vi và các nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật này với dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Về quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị (khoản 2 Điều 12), một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay, nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, là do tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị quá thấp, kể cả các đô thị xây dựng sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (từ 16% đến 26%); có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phù hợp với từng loại đô thị khác nhau. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản tán thành như dự thảo Luật về tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị như dự thảo Luật (từ 16% đến 26%).

Đối với quy định về thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông (Điều 32), qua thẩm tra, một số ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 32 dự thảo Luật là quy định về an toàn giao thông thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ; có ý kiến đề nghị xác định rõ việc thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông được thực hiện ở giai đoạn nào của quá trình đầu tư, xây dựng để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng của pháp luật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản tán thành như dự thảo Luật và đề nghị nghiên cứu bổ sung cụm từ “về kết cấu hạ tầng giao thông” vào sau cụm từ “đề xuất giải pháp khắc phục” tại khoản 2 Điều 32 để tránh chồng chéo với phạm vi, nội dung điều chỉnh của Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Thẩm tra về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ (Điều 43), một số ý kiến cho rằng, quy định người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe tại gầm cầu vượt, cầu cạn dễ gây cháy nổ do xăng, dầu của xe sẽ làm hư hại, thậm chí còn gây sập cầu; có ý kiến nhất trí như dự thảo Luật về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc không nên quy định việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn, cầu vượt để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn.

Về phương tiện giao thông đường bộ (Chương III), có ý kiến cho rằng, tên gọi của Chương III dự thảo Luật và tên gọi của Mục 1 Chương III dự thảo Luật bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ trùng nhau và cùng quy định về phương tiện giao thông đường bộ, nhưng nội dung điều chỉnh lại khác nhau. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý để quy định tách bạch, phân định rõ ràng nội dung điều chỉnh của hai dự thảo Luật, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đối với quy định về về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (khoản 4 Điều 60), có đại biểu đề nghị không quy định các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô (như dịch vụ công nghệ do Grab, Be… cung cấp) là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; có ý kiến đề nghị quy định các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối cho xe ô tô phải phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); có ý kiến tán thành quy định như khoản 4 Điều 60 dự thảo Luật.

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý nội dung trên cho phù hợp, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về điều kiện hành nghề của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải; vận tải hành khách bằng xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của hành khách; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định: “Người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải” làm phát sinh một loại giấy phép. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền ưu tiên đối với người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em.

Về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô (Điều 83). Một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ, hợp lý không gây tốn kém; đồng thời, gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo trong việc tổ chức hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông khi đưa đón học sinh. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên cho phù hợp, không để trùng dẫm giữa hai Luật, tránh gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia giao thông và bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và tập trung vào một số vấn đề: Về việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật Giao thông đường bộ thành Luật bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ và thời điểm thông qua Luật. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (các Điều 14, Điều 15, Điều 16). Về phương tiện giao thông đường bộ (Chương III). Về hoạt động vận tải đường bộ (Mục 1, Chương IV); về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (Mục 2, Chương IV); về các dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin, phần mềm hỗ trợ kết nối cho xe ô tô. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộ (Chương V)./

Thọ Nhi

Tin liên quan