Theo hai địa phương trên, hiểm nguy cho người dân và các phương tiện nằm ở chỉ đạo điều tiết luồng tuyến không thích hợp với năng lực quản lý.
Dữ liệu từ ngành giao thông tỉnh Quảng Trị cho hay, 50 ngày sau khi Cục Đường bộ chỉ đạo phân luồng, hạn chế xe lớn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đã có thêm 4 vụ tai nạn giao thông xảy ra, làm 3 người chết và 1 bị thương.
Bất hợp lý trong điều tiết quản lý giao thông?
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết đến nay đã có 2 văn bản gửi ra Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu xem xét lại chủ trương phân luồng giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Cảnh báo của địa phương là việc cấm xe lớn đi vào cao tốc đang đẩy nguy cơ tai nạn qua QL1A, bởi không đi kèm chủ trương hạn chế tốc độ của các đầu kéo và xe khách giường nằm đến 30 chỗ.
Thượng tá Kiều Đức Tính, Phó Giám đốc Công tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu các quy định quản lý tốc độ, điều tiết phương tiện trên đường QL1A không được soát xét phù hợp với việc cấm xe lớn vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thì tai nạn do lái xe bất cẩn, không làm chủ tốc độ… vẫn có thể xảy ra.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những động thái cảnh báo tương tự, khi cho rằng việc phân định luồng tuyến giao thông trước và sau khi có cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải được điều chỉnh khoa học hơn.
Ở quá khứ, khi chưa có cao tốc, xe cộ trên QL1A có những quy định giới hạn tốc độ và phân làn cụ thể; và những quy định này có thay đổi sau khi có cao tốc.
Hiện tại, nếu cao tốc cấm xe lớn đi vào, Cục Đường bộ cần có những điều chỉnh quản lý hợp lý với QL1A trở lại, không chỉ đơn giản là những bảng biểu thông tin. Nếu không, xe cộ lưu thông trên QL1A với mật độ, tốc độ tăng lên, sẽ dễ nảy sinh va chạm hơn.
Theo địa phương, Cục Đường bộ cần lựa chọn ngay giải pháp ngăn ngừa tai nạn với 2 hướng, hoặc cho xe lớn đi vào lại cao tốc, hoặc gia tăng các điều chỉnh về quản lý, kiểm soát xe cộ trên QL1A một cách hợp lý hơn.
Đồng thời, địa phương cũng kiến nghị rõ về việc “trả lại luồng tuyến xe lớn” trên cao tốc, để thực hiện đúng mục tiêu đầu tư cao tốc, giúp các phương tiện di chuyển an toàn hơn, giảm chi phí vận tải.
Tính toán của địa phương cho thấy, các xe container di chuyển trên QL1A phải lưu thông trên QL1A thêm 30 phút so với cao tốc, và chịu nhiều chi phí đường bộ, Trạm thu phí là bất hợp lý cho các doanh nghiệp đầu tư và vận tải địa phương.
Không nên “nước đôi” phân luồng
Theo phản ảnh của báo chí, Cục Đường bộ đã có những phản hồi nhất định với hai địa phương, song không dứt khoát với chủ trương cấm xe lớn đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Đại diện Cục Đường bộ đã có ý kiến nhìn nhận phản ảnh lo lắng nguy cơ gia tăng tai nạn trên QL1A là có cơ sở, nhưng vẫn cần phải có sự đối soát, theo dõi mới đưa ra được phương án cụ thể.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế phương tiện lớn đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn là chủ trương của ngành giao thông, trước những sự vụ tai nạn trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhằm không để xảy ra các sự cố thương tâm.
Song, khi chỉ đạo này không đi kèm các biện pháp hữu hiệu về quản lý giao thông chặt chẽ lại ở tuyến QL1A, thì “dường như giải pháp của Bộ Giao thông Vận tải chỉ là đưa tai nạn từ cao tốc qua QL1A”. Câu hỏi này đã được đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nêu rõ trong kiến nghị.
Theo một số nhà tư vấn, thực tiễn tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là đã rõ, và liên quan đến công tác quy hoạch, thiết kế con đường. Để xử lý vấn đề, tuyến cao tốc rất cần được điều chỉnh đánh giá lại, cần có ngay quyết định đầu tư nâng cấp, hiệu chỉnh lại việc bố trí phân luồng giao thông.
Hoặc ngành chủ quản phải chủ trương đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc, hoặc phải có ngay giải pháp điều tiết hợp lý các loại phương tiện tham gia giao thông ở tuyến đường cao tốc, hạn chế mọi rủi ro phát sinh.
Nhưng cho đến nay, ghi nhận từ chính quyền địa phương hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn cho thấy, tình hình quản lý tuyến cao tốc chưa xoay chuyển tích cực.
Thậm chí với chủ trương cấm xe lớn đi vào cao tốc, trong khi việc đầu tư, hoàn bị hạ tầng ở tuyến đường nào chưa được cải thiện, chưa được triển khai quyết liệt, thì sự thể xe lớn quay lại QL1A cần được cảnh báo nhiều hơn.
Từ thực tế cho thấy, hiện tình hình giao thông tại địa phương vẫn căng thẳng, và người dân đi lại trên cao tốc lẫn QL1A vẫn nơm nớp đối mặt với nguy hiểm rình rập.
Sỹ Linh