Nguy cơ TNGT rình rập
Ngày 18/9, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại khu vực cầu Lục Nam (Km 24+134 tuyến Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Đập vào mắt PV là hình ảnh xe ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ qua cầu, kể cả xe đầu kéo, xe container, xe hổ vồ, xe khách, xe buýt loại to...
Phía ngược lại, trong bụi đường mù mịt, đủ loại xe từ cầu xuống, đi vào đường bộ. Cuối đường dẫn, ranh giới giữa hai chiều xe chỉ là một chiếc cọc nhỏ, sơn đỏ. Xe to, dài như xe đầu kéo buộc phải lách vào lề đường để vào phần đường bộ do ngang đường quá hẹp. Hết lượt ô tô trên cầu phía đối diện qua, phía bên này mới tắt tín hiệu đèn đỏ, cho ô tô lên cầu. Trong khi đó, hàng ngày vẫn có hai chuyến tàu chợ Yên Viên - Hạ Long qua cầu; thỉnh thoảng lại có thêm tàu hàng, tàu công trình đi qua khiến nguy cơ mất ATGT rất cao.
Anh Nguyễn Công Bắc, nhân viên tuần cầu vừa đi vừa chỉ cho PV những tấm đan vỡ, nứt, những chỗ long ốc, bulông, dầm thép đã han gỉ. “Toàn những xe khủng thế kia đi qua, kiểu gì mà mặt đường, mặt cầu chả nát. Duy tu, sửa chữa không xuể được, đã thế kinh phí cho bảo trì lại thấp, không đủ”, anh Bắc nói.
Cũng theo anh Bắc, mặt cầu chỉ rộng khoảng 5m, đường sắt ở giữa nên rất dễ va chạm. Không ít trường hợp xe nọ húc đuôi xe kia hoặc xe sau tránh xe trước đâm cả vào lan can cầu, rồi xe chết máy... gây ách tắc giao thông trên cầu.
Anh Tạ Thanh Long, Cung trưởng Cung cầu Cẩm Lý (Công ty CP Đường sắt Hà Lạng) - đơn vị quản lý, duy tu cầu Cẩm Lý cho biết thêm, cầu nằm trên QL37, nối Bắc Giang đi các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng nên lưu lượng xe qua cầu rất lớn. Thống kê từ đầu năm 2019 cho thấy, lưu lượng qua cầu một ngày đêm khoảng 2.000 - 2.200 lượt ô tô các loại, chưa kể xe máy, xe đạp và các phương tiện khác. Vì vậy, thường xuyên ùn tắc các phương tiện hai đầu cầu.
|
Các loại xe nối nhau qua cầu Cẩm Lý (Lục Nam, Bắc Giang) |
“Những năm qua, chúng tôi đã đảm bảo tốt công tác phòng vệ, đảm bảo ATGT trên cầu. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn vẫn rất lớn. Đặc biệt là áp lực tải trọng đối với trạng thái kĩ thuật cầu. Hiện các hệ thống kết cấu cầu đã xuống cấp, hệ liên kết cầu kém, dầm và một số chi tiết bị gỉ, cốt thép và tấm đan trên cầu nứt vỡ nhiều nên rất mất an toàn”, anh Long nói.
Đề xuất 800 tỷ tách cầu đường bộ ra khỏi cầu chung đường sắt
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng cho biết, cầu Cẩm Lý được xây dựng từ năm 1979, đến nay đã qua 50 năm khai thác nhưng chưa một lần được kiểm định lại để đầu tư kinh phí đại tu. Trong khi đó, theo quy định, 10 năm phải kiểm định một lần, xác định lại trạng thái kĩ thuật cầu, từ đó mới xác định được lưu lượng, tải trọng cho phép các phương tiện qua cầu phù hợp để đảm bảo an toàn.
Mặt khác, kinh phí được Nhà nước cấp cho bảo trì hàng năm cũng rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 40-50% yêu cầu định mức kinh tế kĩ thuật, chủ yếu dành cho thay tấm đan mặt cầu. Thành ra, cầu vốn rệu rã, giờ với lượng phương tiện đường bộ ngày càng tăng như hiện nay khiến cầu càng xuống cấp. “Chúng tôi chỉ mong Nhà nước đầu tư cầu đường bộ mới tách đường bộ ra khỏi cầu chung đường sắt để đảm bảo an toàn. Trong khi chờ đợi, hàng năm cấp thêm kinh phí bảo trì để thực hiện tốt duy trì trạng thái kĩ thuật cầu”, ông Quyền nói.
Ông Đặng Sĩ Mạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, cầu Cẩm Lý là cầu chung đường sắt duy nhất hiện nay trên đường sắt Việt Nam hiện vẫn đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu. Trước đây, có 9 cầu chung đường sắt, sau đó Tổng công ty đã trình các cấp có thẩm quyền xin làm cầu đường bộ tách cầu chung. Hiện đã có 8 cầu đường bộ được xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, hiện vẫn còn 3 cầu khác sử dụng chung là: Bắc Giang (bắc qua Sông Thương, TP Bắc Giang, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng), cầu Chung Lu (còn gọi cầu Phố Lu, Km 3+167 trên tuyến đường sắt Phố Lu - Pom Hán, Lào Cai) và cầu Long Đại (tuyến đường sắt Bắc - Nam, địa bàn huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) dù đã có cầu đường bộ bên cạnh nhưng người dân vẫn có thói quen qua cầu chung.
Chính vì vậy, trước năm 2014, Tổng công ty Đường sắt VN đã hoàn thành công tác khảo sát, lập phương án đầu tư dự án xây dựng cầu để tách cầu đường bộ khỏi cầu chung đường sắt. Đến tháng 8/2014, Bộ GTVT đã có kế hoạch triển khai, trong đó yêu cầu tiến độ thực hiện trong 3 năm 2014-2016. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể thực hiện do không được bố trí vốn.
Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí theo Quyết định 994/QĐ-TTg để triển khai thực hiện hoàn thành dự án trên. Dự kiến quy mô dự án gồm: Xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý; xây dựng phương án kết nối giao thông với đường bộ đối với 3 cầu Bắc Giang, Chung Lu và Long Đại. Tổng kinh phí dự kiến là 800 tỷ đồng. Trong khi chờ bố trí nguồn vốn phù hợp, Tổng công ty kiến nghị Bộ GTVT đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020-2025.
Dự kiến tiến độ thực hiện trong 2 năm kể từ khi bố trí được nguồn vốn phù hợp. “Nếu được bố trí vốn ngay, tổng công ty dự kiến triển khai trong các năm 2020-2022”, ông Mạnh cho hay.