Ngày 16/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh hoạt động giao thông đường bộ thông suốt, an toàn và hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường hội nhập quốc tế.
Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ, làm rõ sự cần thiết có nên tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân định được phạm vi điều chỉnh, cần phải tiếp tục rà soát để tránh các quy định bị chồng chéo, trùng lặp. Lưu ý đến việc chuyển thẩm quyền quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)
|
Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi, nhất là các quy định liên quan đến kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối; công tác quy hoạch hệ thống giao thông, bảo trì công trình. Việc huy động ngân sách, nguồn lực phát triển giao thông đường bộ, các quy định về phương tiện giao thông, dịch vụ giao thông đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tiệm cận với quốc tế. Đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung lại các quy định liên quan đến những vấn đề được quan tâm như việc đăng kiểm, quản lý chất lượng công trình, phương tiện. Việc thu phí, quản lý dịch vụ vận chuyển, sử dụng công nghệ quản lý thị trường vận tải, hoạt động kinh doanh vận tải, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong việc quản lý, điều hành giao thông vận tải đường bộ. Cần phải rà soát kỹ các quy định về quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đảm bảo không phát sinh giấy phép con, thủ tục mới, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia giao thông.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ sẽ giải trình với Quốc hội một cách kỹ lưỡng hơn về lý do xin tách Luật. Trong đó có hai phần rất quan trọng là vấn đề cấp bằng lái xe và đào tạo lái xe và các nguyên tắc về giao thông là hai chương của Luật Giao thông đường bộ chuyển sang Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cùng với đó là nôi dung liên quan đến xử lý các tai nạn giao thông đường bộ đã Bộ Công an đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Trên nền tảng góp ý cả hai luật, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc sẽ thực hiện luật trong giai đoạn sắp tới.
Về những ý kiến liên quan đến ngành giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phải tiếp thu một cách đặc biệt nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội như là giao thông tỉnh, vấn đề phát triển giao thông đô thị, các vấn đề ách tắc hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về giao thông.
Liên quan đến việc vận tải học sinh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và trong luật này có đưa ra các điều khoản. Mặc dù có ý kiến đề nghị việc đưa đón học sinh mang tính chất là thời vụ, song Ban soạn thảo thấy rằng vì liên quan đến tính mạng của học sinh, liên quan đến thế hệ tương lai mà trong thời gian vừa qua cũng đã xảy ra những tai nạn nghiêm trọng. Do đó, trong luật này ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là phương tiện vận chuyển học sinh phải đảm bảo một cách an toàn.
Liên quan đến dịch vụ hỗ trợ vận tải như là Uber, Grab, GoViệt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm rõ những đơn vị cung cấp phần mềm như GoViet hoặc hiện nay nước ta có gần là 40-50 phần mềm. Bộ Giao thông vận tải ủng hộ rất cao những đơn vị cung cấp phần mềm và không nêu những đơn vị này là tham gia vận tải. Vừa qua, Uber có liên quan đến việc cung cấp phần mềm và định giá vận tải, ở nước ngoài Uber định giá chuyến xe đi từ A đến B là bao nhiêu tiền và trích lại phần cho Uber, chi lại cho lái xe. Những đơn vị như thế này là tham gia kinh doanh vận tải, kiếm lợi nhuận ở Việt Nam, do đó phải là ứng xử như là doanh nghiệp vận tải. Hiện nay, rất nhiều phần mềm ở Việt Nam Bộ khuyến khích bán phần mềm, các doanh nghiệp mua rồi sau đó sử dụng phần mềm đó để kết nối vận tải.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết trong lần sửa đổi này đã luật hóa vấn đề xử lý vi phạm đảm bảo đúng luật và tất cả những vấn đề trong Nghị định 10, Nghị định 100 để quản lý những loại hình vận tải mới, xử phạt nguội…Do đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bày tỏ mong muốn các đại biểu tham gia góp ý để hoàn chỉnh luật và để luật phải đi vào cuộc sống để xử lý một cách triệt để những vấn đề bất cập.
Liên quan đến giấy phép kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay cả nước có hơn 4.300.000 ô tô, trong đó chỉ có 1.700.000 ô tô tham gia kinh doanh vận tải, còn lại là xe cá nhân. Hiện nay, giáo trình đào tạo là đào tạo cả kinh doanh vận tải và cả kỹ thuật lái xe. Nếu để bình thường như hiện nay thì tất cả những người không tham gia kinh doanh vận tải vẫn phải học về phần kinh doanh vận tải trong giáo trình đã được biên soạn. Do đó trong lần sửa đổi này học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc điều chỉnh 2 phần, một phần kinh doanh vận tải riêng và phần kỹ thuật lái xe. Khi đó sẽ giảm tải trong các trường đào tạo về học lái xe, chỉ tập trung vào các kỹ thuật, biển báo để tham gia vận tải thôi. Còn những đối tượng 1.700.000 xe tham gia kinh doanh vận tải thì lái xe đó mới được học về các chính sách, về việc xếp hàng hóa trên phương tiện như thế nào cho đảm bảo an toàn. Luật tách ra để cho người học sẽ giảm tải và người kinh doanh vận tải thật sự mới học để cấp chứng chỉ.
Về vấn đề phí sử dụng đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Nghị quyết 52, Nghị quyết 117 của Quốc hội cũng đã cho phép đầu tư bằng ngân sách nhà nước thì sẽ tổ chức thu phí. Đây là cơ sở để đưa vào trong luật. Khi đã đưa vào trong luật thì đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền và có kinh phí để phát triển đường cao tốc, có điều kiện để quản lý giao thông vận tải tốt.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bày tỏ mong muốn Quốc hội xem xét để ban hành Luật vào Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV để kịp thời giải quyết vấn đề bất cập hiện nay.