Chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Lộ thêm sai phạm “động trời”

 
Chia sẻ

Kinhtedothi - Không chỉ dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có nhiều vấn đề, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) còn có nhiều sai phạm “động trời” ở 3 tuyến cao tốc khác.

Chu dau tu cao toc Da Nang - Quang Ngai: Lo them sai pham “dong troi” - Hinh anh 1
Trạm dừng nghỉ Km227 trên cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ. Ảnh: Nguyễn Quý

Từ việc tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng nhiều vị trí khi đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án này đã được đưa ra ánh sáng khiến dư luận càng trở nên bức xúc. Tuy nhiên, đó không chỉ là tuyến cao tốc duy nhất mà VEC có “vấn đề”.

Hàng loạt sai phạm bị phát hiện

 Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại 3 dự án xây dựng cao tốc khác là cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư đều tự ý chỉ định thầu khi xây dựng các trạm dừng nghỉ trên những tuyến cao tốc này. Điều này đã được chính Kiểm soát viên VEC chỉ ra trong văn bản báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Văn bản số 1603/VEC-KSV ngày 22/5/2015 báo cáo việc xã hội hóa các trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư của Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ GTVT đánh giá, VEC có nhiều vi phạm trong việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, trong việc lựa chọn nhà đầu tư và trong việc triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc.

Cụ thể, trong phương án tài chính và Hợp đồng kinh tế giữa VEC và Nhà đầu tư chưa tính toán phân chia lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh cho VEC để tăng hiệu quả đầu tư của dự án đường cao tốc. Điều này theo đánh giá của Kiểm soát viên VEC là không hợp lý vì trong Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ có quy định rõ: “Giao cho VEC khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường do VEC làm chủ đầu tư liên quan đến khai thác tuyến (trạm xăng dầu, trạm dừng xe, quảng cáo, các công trình khác) theo quy định của pháp luật. Hiệu quả thu được từ khai thác các dịch vụ này (nếu có) sẽ tính vào hiệu quả đầu tư của dự án”.

Bên cạnh đó, tất cả các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc đều không được VEC xây dựng phương án cụ thể cho từng dự án mà đã lựa chọn nhà đầu tư. Điều này là không đúng với hướng dẫn trong Văn bản số 9570/BGTVT-KHĐT khi văn bản này quy định rõ VEC phải xây dựng phương án đầu tư cụ thể cho từng dự án.

Việc lựa chọn nhà đầu tư của VEC cũng bị phát hiện một loạt sai phạm. Đầu tiên là cho phép nhà đầu tư tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án, sau đó mới trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng. “Việc lựa chọn nhà đầu tư như vậy là ngược trình tự đầu tư xây dựng cơ bản” - trích văn bản số 1603/VEC-KSV. 

Không những thế, tổng mức đầu tư cho các công việc cần xã hội hóa tại các trạm dừng nghỉ không được VEC phê duyệt để quản lý chi phí; Không có kế hoạch đấu thầu, dự toán giá gói thầu, hồ sơ yêu cầu và chấm thầu; Không tổ chức công khai kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc (đăng báo mời nhà đầu tư); Không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, VEC không quản lý được chi phí đầu vào, không thẩm định lại thiết kế, dự toán, không có quy định chặt chẽ đầy đủ về việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán phần chi phí đầu tư thực hiện này để làm cơ sở tính toán lại phương án tài chính, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư và lợi nhuận của VEC. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ không có quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát của VEC đối với việc thi công trên hiện trường của nhà đầu tư. Ngoài ra, tiến độ thi công các trạm dừng nghỉ triển khai rất chậm so với tiến độ trong hợp đồng. Đặc biệt là trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đã được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục sai phạm

Từ những sai phạm trên của VEC, Kiểm soát viên VEC đã kiến nghị Bộ GTVT cần tăng cường công tác kiểm tra việc xã hội hóa các dịch vụ trên dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Đồng thời, Bộ GTVT cần chỉ đạo VEC thực hiện xã hội hóa công tác đầu tư trạm dịch vụ đường cao tốc do đơn vị này làm chủ đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản (từ khâu phê duyệt dự án, đấu thầu, nghiệm thu, quyết toán, bàn giao công trình...).

Đặc biệt, Kiểm soát viên VEC khẳng định trước đó đã từng có văn bản gửi VEC trong đó nêu những tồn tại trong việc thực hiện xã hội hóa công tác xây dựng các khu dịch vụ và biển quảng cáo trên đường cao tốc mà VEC làm chủ đầu tư. Những tồn tại đó đã được Kiểm soát viên VEC chỉ ra một cách rất rõ ràng, cụ thể trong Văn bản số 4138/VEC-KSV. Đáng tiếc là những ý kiến này đã bị VEC “ngó lơ” và tiếp tục không chịu thực hiện theo quy định để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và hiệu quả đầu tư của dự án đường cao tốc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong số 8 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư thì cao tốc Nội Bài – Lào Cai có 6 trạm gồm: Trạm dừng nghỉ Km22+900 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 113 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 21 năm; Trạm dừng nghỉ Km57+500 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 19 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 28 năm; Trạm dừng nghỉ Km117+500 giá trị hợp đồng là 39,5 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm; Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên trái tuyến; trạm dừng nghỉ Km171+500 bên phải tuyến; Trạm dừng nghỉ Km236+940 giá trị hợp đồng khoảng 147,4 tỷ đồng. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có một trạm dừng nghỉ là Trạm Km22 có giá trị hợp đồng giai đoạn I là 62 tỷ đồng. Riêng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có Trạm dừng nghỉ Km41+100, giá trị trúng thầu là 225 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu của trạm dừng nghỉ này là Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan