Chú trọng “thực chiến” trong phát triển nguồn nhân lực cho đường sắt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp đường sắt nội địa là: nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mở các trường lớp đào tạo bài bản, phân tách chi tiết từng nội dung để có nhân lực chuyên môn sâu, cần chú trọng vào “thực chiến”, cọ sát và tích lũy kinh nghiệm từ các dự án thực tế.

Chu trong “thuc chien” trong phat trien nguon nhan luc cho duong sat - Hinh anh 1
Đào tạo nhân viên lái tàu 

Tổ chức lại khâu đào tạo

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển GTVT đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn, đường sắt liên vận quốc tế và đường sắt đô thị (ĐSĐT).

Quốc hội cũng đã ban hành 3 Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt: tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại hai TP: Hà Nội, và Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

“Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Cao Minh nhận định, muốn phát triển công nghiệp đường sắt, bên cạnh những nguồn lực quan trọng như: chính sách; kinh tế; công nghệ… nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt. 

“Xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là vấn đề mang tính cấp thiết với công nghiệp đường sắt. Các cơ chế hỗ trợ như miễn, giảm thuế hay ưu tiên ngân sách cho đào tạo chỉ là công cụ bổ trợ. Quan trọng nhất vẫn là việc tổ chức, thực hiện và định hình mô hình nhân sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế” - ông Nguyễn Cao Minh nói. 

Có thể nói, ngành đường sắt của Việt Nam đang trong cơn khát nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật hiện đại, sâu và sắc. Hiện cả nước có 4 trường đại học đào tạo các ngành liên quan đến vận hành, khai thác đường sắt. Tuy nhiên những kiến thức trong lĩnh vực mới như: ĐSĐT, đường sắt tốc độ cao lại chưa có trường lớp chuyên biệt. Nhân sự vẫn phải cử đi đào tạo ở nước ngoài. 

Thiếu thốn nguồn nhân lực trình độ cao đã khiến cho nhiều dự án đường sắt nội địa gặp vô vàn khó khăn từ khâu nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án cho đến tiếp nhận quản lý, vận hành sau này. 

Chính vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học; đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Yêu cầu mới, hoàn cảnh mới đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại ngành học về đường sắt. Không chỉ mở các chuyên ngành trong một số trường hiện nay mà còn cần có trường đại học chuyên ngành đường sắt, đào tạo chi tiết từng phần nội dung từ ĐSĐT cho đến đường sắt tốc độ cao, liên vận….”. 

Vị chuyên gia này còn cho rằng, trước khi đào tạo trò, cần xây dựng đội ngũ người thầy mang những kiến thức hiện đại, dày dặn kinh nghiệm, có tâm và có tầm đủ để gây dựng cho Việt Nam một thế hệ nhân lực đường sắt chất lượng cao, bắt kịp xu thế hiện đại của thế giới. 

Chu trong “thuc chien” trong phat trien nguon nhan luc cho duong sat - Hinh anh 2
 

Học đi đôi với hành

Ông Nguyễn Cao Minh nhận định: “Lớp đào tạo thực dụng, hiệu quả nhất cho nhân lực ngành đường sắt là trên các công trường dự án, những tuyến đường sắt hiện đại đã và đang vận hành”. 

Ví dụ thực tế nhất là ngay tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt TP khi tiếp nhận các tuyến ĐSĐT số 2A, số 3.1 đã quản lý, vận hành rất tốt. Và còn đáng quý hơn nữa khi những tuyến ĐSĐT này còn là lớp học thực hành giúp đào tạo nhân sự cho cả tuyến ĐSĐT Bến Thành - Suối Tiên của TP Hồ Chí Minh, giúp tiết kiệm tiền của mà vẫn đảm bảo chất lượng cán bộ, công nhân viên, đáp ứng công việc thực tế. 

Hà Nội đang triển khai một số dự án ĐSĐT, trong đó nhân lực chủ yếu vẫn phải sử dụng từ các nhà thầu nước ngoài. TP đang rất cần có nhân sự có bản lĩnh, quyết tâm và tinh thần học hỏi mạnh mẽ để song hành cùng các chuyên gia nước ngoài, tích lũy kinh nghiệm cho những dự án về sau. Học từ chính những dự án sẽ là trường lớp cho hiệu quả đào tạo cao nhất. 

Vị lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò của việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ. “Với việc chuyển giao công nghệ, chúng ta cần chủ động tham gia vào hệ thống ĐSĐT, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, trước hết là vận hành và bảo trì. Chúng ta không đứng ngoài cuộc, thuê nhà thầu nước ngoài làm mà phải tham gia tích cực để nắm bắt, học hỏi từ thực tiễn”.

Thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Đề án phát triển ĐSĐT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ, kỹ sư Việt Nam tiếp thu nhanh và rất cầu thị. Tuy nhiên, kinh nghiệm và năng lực “thực chiến” là thứ cần thời gian và trải nghiệm. 

Ông Phan Hữu Duy Quốc khuyến cáo: “Để có một nguồn lực rất lớn tham gia xây dựng và vận hành các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới, chúng ta cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, có chính sách thu hút, khuyến khích các chuyên gia, các kỹ sư giàu kinh nghiệm ở nước ngoài trở về Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư có trọng điểm cho các cơ quan nghiên cứu, để dần dần “nội địa hóa” nguồn nhân lực, cũng như tiến dần đến sự tự chủ về công nghệ”.

Đây cũng là hướng đi quan trọng để tích lũy nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt nội địa. Tuy nhiên, để có thể kêu gọi và giữ chân những chuyên gia giỏi, tầm cỡ cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt, tương xứng, hoặc không thua kém quá nhiều mức họ đang hưởng khi làm việc ở nước ngoài. 

Ông Nguyễn Cao Minh chia sẻ: “Ở Malaysia, khi bắt tay vào kiến thiết hệ thống ĐSĐT, Chính phủ đã ra lời kêu gọi toàn quốc, khuyến khích nhân lực là người trong nước đang làm việc ở nước ngoài về cống hiến cho Tổ quốc; mời tất cả những người có kiến thức, trình độ về ĐSĐT trong nước đến thử việc nhằm tìm ra người có năng lực chuyên môn phù hợp. Và đặc biệt đưa ra mức đãi ngộ tốt để giữ chân người tài”. 

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, dân tộc không thiếu người tài, có đủ năng lực để làm và tiếp thu công nghệ mới của ngành đường sắt. Vấn đề cốt lõi là phải thu hút và giữ chân được người tài; cũng như liên tục đào tạo thế hệ kế cận vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm thực tiễn. 

Nội dung

 Mùa tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Giao thông Vận tải mở mới 7 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực ĐSĐT và đường sắt tốc độ cao. Các chương trình này có tham khảo và tiếp thu những mô hình đào tạo tiên tiến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; tăng cường thời lượng thực tập, thí nghiệm và thực nghiệm; được thiết kế theo định hướng thực tiễn, bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có năng lực làm việc ngay, sẵn sàng tham gia và đóng góp hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông Vận tải, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương

Minh Tường

 

Tin liên quan

https://portal.adbro.me/publishers/0fb2a970-b322-45d8-8ab2-530540d840b4/sites/57721325-de31-4891-b821-00d0d5d4883b/codes/