|
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ đầu tư công toàn bộ 12 dự án.
Ảnh: Lê Thanh |
Tuy nhiên, dự án được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua một đợt tàn phá dữ dội của dịch bệnh, việc kêu gọi huy động vốn đầu tư xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên cần thiết có sự điều chỉnh phù hợp.
Sẽ triển khai đầu tư công
Trong tờ trình mới nhất gửi Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất cả 12 đoạn sẽ đầu tư công, thay vì kêu gọi đầu tư BOT, với tổng vốn đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.
Sắp tới, Quốc hội sẽ họp để cho ý kiến, thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), với 12 dự án thành phần.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai, nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (khoảng 18,6% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.
Về quỹ đất, Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.481ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532ha, rừng phòng hộ khoảng 110ha, rừng sản xuất khoảng 1.436ha.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định tổng diện tích chiếm dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; giao Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với từng dự án thành phần trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án và Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở thực sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành, Chính phủ sẽ triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.
|
Danh sách 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.
Ảnh: Tuấn Phùng |
Giảm được 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư
Tại tờ trình số 519/TTr-CP ngày 15/11/ 2021 của Chính phủ gửi Quốc hội, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất là việc Chính phủ kiến nghị chia Dự án (dài 729km, quy mô 4 làn xe, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau) thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công.
Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân dự án, Chính phủ tính toán sẽ cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại (khoảng 7.350 tỷ đồng) chuyển tiếp bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bố trí từ vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (47.169 tỷ đồng) và từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đặt quan tâm chính trị là hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2025, nhằm tạo động lực cho chương trình phục hồi, kích thích kinh tế phát triển sau đại dịch Covid – 19.
Đây là thay đổi rất đáng chú ý, bởi tại Tờ trình số 11792/TTr-BGTVT về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án gửi Thủ tướng vào ngày 6/11/2021, Bộ GTVT kiến nghị chia công trình thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Trong đó, 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức PPP gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Còn lại, 8 dự án thành phần sẽ thực hiện đầu tư công gồm Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án cho dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được đề cập tại Tờ trình số 519/TTr-CP giảm khoảng 3.000 tỷ đồng so với phương án tại Tờ trình 11792/TTr-BGTVT nhờ không mất chi phí lãi vay cho 4 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP.
|
Nhiều dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã gặp khó trong việc kêu gọi đầu tư BOT. Ảnh: Duy Lợi |
Điều chỉnh phù hợp
Giới quan sát cho rằng, việc Chính phủ đề xuất thực hiện toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 bằng hình thức đầu tư công thay vì chỉ có 8/12 dự án đầu tư công như tờ trình của Bộ GTVT trước đó, một phần do thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT các dự án của tuyến cao tốc này trong giai đoạn 1 vừa qua. Tuy nhiên, đây là sự thay đổi hợp lý nhằm đảm bảo tiến độ của “siêu dự án” có tầm quan trọng đặc biệt này.
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn tín dụng cho đầu tư BOT giao thông khó khăn, Nhà nước tăng đầu tư công để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid - 19, việc đầu tư các đoạn cao tốc Bắc - Nam còn lại sử dụng ngân sách nhà nước là phù hợp.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Chủng đề xuất Nhà nước sớm ban hành chính sách thu phí, nhượng quyền thu phí với đường cao tốc làm từ ngân sách, để thu hồi vốn ngân sách đầu tư.
Chính phủ sẽ giao UBND các tỉnh, TP có dự án đi qua tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
|