Chưa có tiêu chuẩn khi lắp đặt hộ lan bánh xoay đường Mai Chí Thọ

 
Chia sẻ

Việc triển khai lắp đặt hộ lan bánh xoay trên đường Mai Chí Thọ thực sự chưa có một tiêu chí đánh giá chất lượng và đảm bảo an toàn nào.

Sở GTVT TP.HCM vừa chấp thuận cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn triển khai thí điểm lắp đặt hộ lan bánh xoay trên đường Mai Chí Thọ, Quận 2, TP.HCM.

Chua co tieu chuan khi lap dat ho lan banh xoay duong Mai Chi Tho - Hinh anh 1
TP.HCM triển khai lắp đặt hộ lan bánh xoay trên đường Mai Chí Thọ, Quận 2.

Ông Trần Võ Anh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết: “Được sự chấp thuận của Sở GTVT TP.HCM, Trung tâm đã giao nhiệm vụ cho Liên danh Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Đông Phương triển khai lắp đặt hộ lan bánh xoay tại hai nơi: Vị trí số 1 ở đầu đảo phân cách tách, nhập dòng giữa làn ô tô và làn xe hỗn hợp (đoạn nối tiếp với đường S1) với chiều dài 35m. Vị trí số 2 tại nút giao giữa đường Mai Chí Thọ và đường S1 với chiều dài 33m. Kinh phí lắp đặt thiết bị là một mét là 13 triệu đồng được lấy từ nguồn bảo dưỡng đường bộ của trung tâm năm 2019”.

Theo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn khi xảy ra va chạm xe vào hộ lan bánh xoay lực va chạm sẽ chuyển thành chuyển động xoay để duy trì hướng lái xe trên đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua đó giúp giảm nguy cơ tử vong do tai nạn. Các bánh xoay được làm từ vật liệu Polyurethane và Composite EVA có tính đàn hồi, chống va đập và chịu mài mòn. Trong điều kiện thời tiết ngoài trời hộ lan bánh xoay có tuổi thọ khoảng 10 năm.

Khi được hỏi về việc đơn vị dựa vào quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ nào để triển khai lắp đặt thí điểm, ông Minh cho biết đây là công nghệ mới tại Việt Nam nên chưa có tiêu chuẩn nào cụ thể để đánh giá. Chúng tôi lắp đặt vận dụng theo theo quy trình hộ lan thông thường và chỉ lắp đặt thêm phần bánh xoay bổ sung. Chúng tôi cũng mới tham khảo ở một số nước đã lắp đặt, còn ở Việt Nam thì tìm hiểu và thấy hiệu quả của thiết bị lắp đặt tại dốc Cun trên quốc lộ 6, điểm đen tai nạn giao thông của tỉnh Hòa Bình.

Chua co tieu chuan khi lap dat ho lan banh xoay duong Mai Chi Tho - Hinh anh 2
Việc lắp đặt mỗi mét hộ lan có giá 13 triệu đồng nhưng chưa có tiêu chuẩn nào đánh giá chất lượng sản phẩm. 

Thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT, trong 3 tháng tới, Trung tâm sẽ theo dõi và đánh giá hiệu quả của các hộ lan bánh xoay. Nếu thiết bị phát huy hiệu quả tốt, góp phần tăng cường đảm bảo an toàn giao thông và được Sở GTVT cho phép nhân rộng trên địa bàn thành phố. Chúng tôi sẽ đề xuất lắp đặt tại các vị trí đường cong nút giao Cát Lái trên đại lộ Mai Chí Thọ và nút giao Tân Kiên trên đại lộ Võ Văn Kiệt, ông Minh cho biết thêm.

Công nghệ hộ lan bánh xoay được thí điểm ở Dốc Cun - Hòa Bình là do Công ty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh triển khai dưới sự đồng thuận của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Kết thúc quá trình thí điểm, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT để công bố tiêu chuẩn và cho triển khai các nơi đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. 

Công ty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh khẳng định các doanh nghiệp triển khai lắp đặt bánh xoay hộ lan ở đường Mai Chí Thọ quận 2 chưa hề liên hệ gặp để tham khảo các số liệu và tiêu chuẩn mà đơn vị đã triển khai ở dốc Cun - Hòa Bình. 

Như vậy một sản phẩm an toàn giao thông chưa được nghiên cứu đánh giá kỹ thuật đã đưa vào sử dụng thực tế rất là nguy hiểm. Chưa kể nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm chưa qua cơ quan chức năng thẩm định.  

Tạp chí Giao thông

Tin liên quan