Chuyển đổi 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công: Công khai, minh bạch để tránh thất thoát

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày 9/6, Chính phủ trình Quốc hội chuyển đổi 3 thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam từ phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công và thảo luận tại tổ về vấn đề này.

Khó khăn vốn, chuyển đầu tư công sẽ thành công
Theo tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình trước Quốc hội, 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) sẽ chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 của Quốc hội sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn Nhà nước. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí và cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng và phần vốn còn thiếu (23.461 tỷ đồng) giao Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội quyết định để bổ sung vốn.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT và các bộ chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025. Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nếu như kinh tế tốt hơn, Bộ GTVT được bố trí nhiều hơn, nếu thấp hơn nữa là 200.000 tỷ đồng. 23.000 tỷ đồng chiếm khoảng 10% nguồn lực, con số này hoàn toàn nằm trong cân đối nhiệm kỳ tới.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Trong các nguyên nhân được đưa ra, có nguyên nhân khó khăn trong huy động vốn tín dụng do tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài tiềm ẩn nhiều rủi ro... Các địa phương đã bàn giao mặt bằng trên 73%, nên chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là điều kiện rất thuận lợi để khởi công ngay trong tháng 9/2020. Còn nếu triển khai theo PPP, tới cuối năm mới lựa chọn nhà đầu tư, mất thêm 6 tháng huy động vốn, sớm nhất phải giữa năm 2021 mới triển khai thi công và không thể hoàn thành theo tiến độ. Trường hợp không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải chấm dứt hợp đồng và chuyển đổi hình thức đầu tư, đến năm 2022 mới có thể triển khai và nhanh nhất đến cuối năm 2024 mới có thể hoàn thành dự án.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại. Đồng thời lưu ý, Chính phủ cần có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư.
Lo đội vốn, chậm tiến độ
Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều ĐB tán thành việc chuyển đổi chủ trương đầu tư 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam như tờ trình của Chính phủ, song nhấn mạnh đến việc phải tăng cường giám sát, công khai minh bạch trong quá trình triển khai để tránh thất thoát, tiêu cực nảy sinh.
Theo ĐB Hồ Đức Phớc (đoàn Nghệ An), hệ thống giao thông là đường băng của nền kinh tế. Hiện nay, Quốc lộ 1A đã bị chia cắt thành nhiều dự án BOT khiến người dân và DN đều tốn chi phí sử dụng. Do vậy, phải đầu tư công tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để người dân có thêm lựa chọn. Các dự án này làm càng nhanh ngày nào thì đất nước càng phát triển ngày ấy.
Cũng đồng tình với việc phải làm đường cao tốc càng nhanh càng tốt, tuy nhiên, ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) băn khoăn: "Chính phủ cho rằng chuyển đầu tư công tiến độ nhanh hơn, giải ngân tốt hơn nhưng tôi rất khó tin, bởi có chuyển sang cũng không thể nhanh thế được. Chưa kể xảy ra hệ lụy là vai trò uy tín của nhà nước, đấu thầu quốc tế hai lần hủy, nhiều nhà đầu tư tâm tư thì nếu ta làm như vậy liệu có giải quyết được vấn đề hay không?"
Chia sẻ trước những băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa... góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng nhưng thực tế ta chưa làm được, cả nước mới có 1.039km.
Bộ trưởng cho hay, nước nào muốn phát triển đều phải làm cao tốc rất nhanh. Đơn cử như Trung Quốc trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km. Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm, "mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong rồi". Về cơ sở để chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định với dự án này, Chính phủ bàn nhiều lần nên chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công và cuối năm 2021 là xong 3 tuyến này, cũng như bố trí thêm vốn cho 700km còn lại.

Nguyễn Vũ

Tin liên quan