Điều cần thiết lúc này là TP xây dựng một đề án tổng thể, vạch ra lộ trình rõ ràng để thực hiện cuộc “cách mạng xanh” giao thông.
Giao thông xanh, phương tiện xanh có vai trò gì trong xu thế phát triển hiện đại của các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng thưa bà?
- Hà Nội là một đô thị lớn, đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Cơ hội và thành tựu của TP là rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Một trong những vấn đề bức thiết nhất là giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường.
Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, bởi vậy giao thông xanh, phương tiện xanh có vai trò rất quan trọng, là trợ lực cho một nền kinh tế khỏe mạnh, một đô thị văn minh, hiện đại. "Cách mạng xanh" giao thông cũng là xu thế chung của toàn thế giới.
Theo bà đánh giá, Hà Nội đã đạt được những bước tiến nào trong cuộc "cách mạng xanh" giao thông?
- Những năm qua Hà Nội đã nỗ lực rất lớn, đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển giao thông xanh. Trong đó có hai thành tựu chính mà tôi thấy rõ nét và nổi bật nhất.
Thứ nhất là TP đã xây dựng được 2 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), bước đầu xây dựng nền tảng cho một hệ thống VTHKCC thực sự hiện đại, văn minh và xanh. Ngay khi ĐSĐT được đưa vào hoạt động, nhận thức của người dân cũng như cấp quản lý nhà nước về giao thông xanh đã thay đổi mạnh mẽ, tích cực. Từ sự thay đổi đó, chiến lược, sách lược phát triển đô thị cũng đã có những bước ngoạt vô cùng quan trọng, mang đến hiệu quả lâu dài.
Thứ hai là VTHKCC với ĐSĐT làm chủ đạo đã tạo nên những thay đổi cơ bản trong tập quán đi lại của người dân. Sự lệ thuộc vào phương tiện cá nhân đã bước đầu biến đổi thành niềm tin vào VTHKCC. Đó là cơ sở quan trọng để TP tiếp tục kế hoạch giảm thiểu phương tiện cá nhân, nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Đây là những điều kiện vô cùng quan trọng, tạo đà cho Hà Nội phát triển đô thị bền vững.
Vậy Hà Nội nên tiếp tục cuộc "cách mạng xanh" giao thông như thế nào?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, với những điều kiện trước mắt, Hà Nội đã đang làm rất tốt việc chuyển đổi sang giao thông xanh. "Cách mạng xanh" giao thông là một mục tiêu rất lớn, trong đó chủ đạo là chuyển đổi phương tiện xanh lại cần phải có lộ trình dài hơi và sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ rằng, tàu điện, xe buýt điện, xe đạp điện công cộng hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số phương tiện giao thông của TP. Không chỉ xây dựng mạng lưới VTHKCC thân thiện với môi trường, mà TP còn cần xanh hóa cả phương tiện cá nhân, phương tiện kinh doanh vận tải…; cùng với đó là nỗ lực giảm thiểu xe cá nhân.
Hiện Hà Nội có hàng chục nghi xe kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, đại đa số trong đó vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường. Với tần suất hoạt động cao, đây là nhóm tạo nên nguy cơ rõ rệt nhất với Hà Nội. Vì vậy, tôi cho rằng, sau VTHKCC, xe ô tô kinh doanh vận tải phải là nhóm ưu tiên chuyển đổi sang phương tiện xanh. Song song với việc xanh hóa phương tiện VTHKCC và xe kinh doanh vận tải, TP còn cần phải thay thế dần xe cá nhân sử dụng xăng dầu bằng xe điện.