|
Sát hạch cấp giấy phép lái xe tại Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (quận Long Biên). |
Ghi nhận của phóng viên tại một số trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe của Hà Nội cho thấy, không có tình trạng người dân "đổ xô" đi học lái xe trước khi nâng độ khó về thi lấy bằng lái như có thông tin đồn thổi.
Không có chuyện quá tải
Không khí tại Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (quận Long Biên) những ngày qua cơ bản không khác mấy so với giai đoạn trước đó. Sân tập lái khá rộng rãi, bảo đảm quy chuẩn, hơn chục học viên đang miệt mài trên những chiếc xe gắn “chíp” điện tử để chuẩn bị cho kỳ sát hạch sắp tới. Khu vực tiếp nhận hồ sơ học lái xe lác đác có người đến đăng ký. “Nghe nói sắp tăng độ khó về đào tạo sát hạch lái xe, người dân tranh thủ đến đăng ký học nhiều dẫn tới trung tâm quá tải?” - Trước câu hỏi này, ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 cười bảo: Mọi sự vẫn thế thôi, lượng học viên đều đều, không có chuyện quá tải!
Đề cập tới việc Bộ Giao thông - Vận tải sắp nâng độ khó bằng cách tăng ngân hàng câu hỏi từ 450 câu lên 600 câu, trong đó có 100 câu điểm liệt mà nếu học viên làm sai sẽ bị trượt ngay phần thi lý thuyết, ông Lê Văn Đại cho biết đã nhận được thông tin. Qua tham khảo, nội dung câu hỏi về cơ bản dễ hiểu, dễ nhớ, bám sát thực tế khi tham gia giao thông hiện nay.
Ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe thành phố Hà Nội cho biết: "Từ đầu năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng, trung tâm tổ chức sát hạch hơn 100 học viên. Lượng học viên tham dự sát hạch có tăng hơn một chút so với những giai đoạn trước đó, nhưng không phải là quá tải hay đột biến".
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc đổi mới bộ câu hỏi sẽ bám sát thực tế, bảo đảm dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, trình độ dân trí và quy định hiện hành. Ngân hàng câu hỏi bổ sung các câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Ông Lương Duyên Thống cũng bác bỏ thông tin cho rằng, các trung tâm quá tải bởi việc thi cử có thể khó hơn và khuyến cáo người dân chủ động lựa chọn các trung tâm uy tín để học lái xe.
“Từ góc độ cơ quan quản lý, những câu hỏi trong dạng điểm liệt chỉ có thể làm khó những người thiếu nhận thức. Bộ đề hiện đã xây dựng, lấy ý kiến xong từ các sở Giao thông - Vận tải và các trung tâm đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đã được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận. Dự kiến, Bộ phát hành trong tháng 6-2019, sau đó sẽ xây dựng phần mềm và chuyển giao cho các địa phương và các trung tâm đào tạo, sát hạch” - ông Lương Duyên Thống thông tin.
Quan trọng vẫn là khâu sát hạch
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/NĐ-CP (ngày 1-7-2016) của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng bổ sung yêu cầu sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông như đường đèo dốc quanh co, thời tiết sương mù, đường cao tốc... Đồng thời, lắp đặt camera giám sát lý thuyết và thiết bị giám sát trên xe để giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo lộ trình...
Theo ông Lương Duyên Thống, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch triển khai trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt. Dự kiến, từ ngày 1-6-2020, các trung tâm đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư thiết bị mô phỏng “cabin cầm lái” để phục vụ công tác đào tạo. Ngoài ra, đối với thời gian học thực hành lái xe ô tô để cấp bằng B1, B2, theo quy định hiện hành là 84 giờ học thực hành và 1.100km lái xe trên đường của học viên. Tuy nhiên, hiện không có công cụ để giám sát. Tới đây, khi có thiết bị giám sát GPS lắp trên xe tập lái, chắc chắn thời gian, số kilômét của người học sẽ tăng lên theo đúng quy định, giáo viên không bớt được giờ học.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Đại cho rằng, hơn 90% cơ sở trong tổng số khoảng 350 cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Nếu gấp gáp đầu tư các phần mềm mô phỏng, cabin tập lái thì các đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn, mọi chi phí đào tạo sẽ dồn lên các học viên. Trong khi đó, để có được những “sản phẩm” đào tạo chất lượng, đủ tự tin “ôm vô lăng” sau khi có giấy phép, quan trọng nhất vẫn là khâu sát hạch do Nhà nước (trực tiếp là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở Giao thông - Vận tải) đảm nhiệm. Do đó, Nhà nước cũng phải tính toán có lộ trình để các trung tâm, cơ sở thực hiện. Chỉ những điều gì cấp thiết thì phải đầu tư ngay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Cũng lo ngại về việc chi phí đào tạo sẽ tăng nếu phải áp dụng ngay nhiều điều kiện về trang thiết bị, ông Nguyễn Gia Toàn (số 100, ngõ Hòa Bình, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục được sàng lọc, bởi nghề lái xe có đặc thù, phải rèn luyện nhiều, từ kinh nghiệm thành kỹ năng. Nhà nước chỉ cần “siết” khâu sát hạch đầu ra; ai không đạt có thể thi lại nhiều lần, bởi đó là việc cần thiết để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.