Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Để dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sớm được triển khai, Hà Nội kiến nghị các đơn vị liên quan sớm có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đã triển khai 1/6 gói thầu

Dự án Xây dựng tuyến ĐSĐT TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km. Trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km, đoạn đi trên cao dài 2,6 km.

Theo quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 của UBND TP Hà Nội, dự án được triển khai từ năm 2009. Tuyến đường sắt được dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015, nhưng đến nay, thời gian hoàn thành tuyến vẫn liên tục có sự thay đổi.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án ĐSĐT tuyến số 2 kéo dài đến năm 2031. Trong đó sẽ hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2029 và thêm 2 năm đào tạo vận hành bảo dưỡng.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về quy mô đầu tư, tỷ giá quy đổi, giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và chế độ chính sách, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh của dự án tăng hơn 16.000 tỷ đồng .

Đại diện Sở KH&ĐT cho biết, dự án gồm 6 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA. Đến nay, gói thầu Tư vấn chung đã hoàn thành Báo cáo rà soát thiết kế cơ sở, dự án điều chỉnh, hồ sơ mời thầu. Các gói thầu còn lại đã hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn danh sách ngắn trong giai đoạn 2013 - 2015. 

Gói thầu xây dựng đoạn trên cao và xây dựng depot đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật - dự toán. Hiện các gói thầu sử dụng vốn vay ODA chưa triển khai thực hiện do đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.

Thông tin từ Sở KH&ĐT, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư tại khu vực depot, đã GPMB được 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng. Phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm GPMB. Đối với phần ga trên cao, đã GPMB được khoảng 92% diện tích. Phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.

Về khối lượng thực hiện theo tiến độ hợp đồng, hiện mới có gói thầu Tư vấn chung được triển khai. Tuy nhiên, hợp đồng Tư vấn chung đã tạm dừng từ tháng 7/2019 do Hiệp định vay hết hạn và chưa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. 

5 gói thầu xây lắp, thiết bị còn lại chưa triển khai đấu thầu do đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.

Kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ

Mới đây, Bộ KH&ĐT có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến về hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương Dự án. 

Đến nay, Bộ GTVT và Bộ Ngoại giao đã có ý kiến gửi Bộ KH&ĐT. Hiện, Chủ đầu tư (Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội) đang tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành để cho ý kiến góp ý gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có ý kiến chỉ thực hiện việc ký kết Hiệp định vay sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt.

Cùng với đó, Tư vấn chung đã có văn bản khẳng định sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ tư vấn sau khi chủ trương điều chỉnh dự án được phê duyệt. Điều kiện được đưa ra là các công việc Tư vấn thực hiện trước sẽ được hoàn trả khi hợp đồng vay được ký kết. Hiện Chủ đầu tư đang làm việc với Tư vấn để chuẩn bị triển khai dịch vụ.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc triển khai nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ ga C8 đến ga C10 theo phương án ga C9 điều chỉnh thuộc Dự án ĐSĐT số 2. 

Trong đó UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội là đơn vị đầu mối của UBND TP, tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của JICA và thay mặt UBND TP ký Biên bản ghi nhớ với đại diện JICA Tokyo về việc nghiên cứu bổ sung. 

Tuy nhiên, Đại sứ quán Nhật Bản chỉ đồng ý huy động tư vấn để triển khai nghiên cứu sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Hà Nội kiến nghị các Bộ: Tài chính, Xây dựng, TN&MT, Văn hóa, TD&TT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có ý kiến về hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Dự án tuyến ĐSĐT số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối Sân bay Nội Bài với trung tâm TP và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. 

Toàn tuyến có 3 ga trên cao (từ C1 đến C3) và 7 ga ngầm (từ C4 đến C10) với 10 đoàn tàu. 

Tuyến ĐSĐT số 2 đi qua địa bàn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng của TP Hà Nội.


Tin liên quan