|
Cảng hàng không Nà Sản còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo đột phá về hạ tầng giao thông (Ảnh: Thanh Niên) |
Theo đó, Cảng hàng không Nà Sản được đề xuất trong nhóm các cảng hàng không thuộc nhóm vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm.
Các cảng hàng không thuộc nhóm này được đề xuất định hướng chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.
Cục Hàng không ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về việc đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” chưa được phê duyệt.
Do đó, việc triển khai các thủ tục theo quy định để tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển cảng hàng không Nà Sản sẽ thực hiện sau khi các Quy hoạch, Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP.
Dự kiến sẽ cần khoảng 2.000 tỷ đồng đầu tư xây mới sân bay này. Trong đó, phần vốn Nhà nước sẽ do tỉnh Sơn La cân đối, bố trí (khoảng 300 tỷ đồng) từ nguồn vốn đầu tư công, chủ yếu phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP). Địa phương cũng đề nghị được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.