|
Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của 12 dự án thành phần. |
Tại Báo cáo số 369, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có công văn đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị kiểm toán chuyên ngành (khu vực) thực hiện kiểm toán hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình các đoạn tuyến/gói thầu xây lắp của các Dự án thành phần trước khi thực hiện công tác chỉ định thầu các gói thầu xây lắp đảm bảo tiến độ khởi công các Dự án trước ngày 31/12/2022 và triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023.
Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng của các gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tới Kiểm toán Nhà nước từ khoảng 20/10 đến 7/11/2022.
Cũng tại Báo cáo số 369, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện Dự án; đồng thời có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có Dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, đặc biệt là công tác GPMB, tái định cư; giải quyết các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đặc biệt là cát đắp đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công.
Theo báo cáo của Chính phủ, ngay sau khi có Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết số 18/NQ-CP đã cụ thể hóa các mốc tiến độ triển khai, các cơ chế đặc thù cũng như giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm đúng theo các mốc tiến độ Quốc hội yêu cầu.
Đồng thời, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT để trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, định kỳ họp hàng tháng kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án. Chính phủ cũng đã giao Bộ GTVT thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần.
Sau 8 tháng triển khai, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của 12 dự án thành phần và giao cho các Ban quản lý dự án thuộc Bộ làm chủ đầu tư. Trong đó, Bộ GTVT đã cân đối điều hòa tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần bảo đảm tổng mức đầu tư của Dự án không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Sau khi các dự án thành phần được phê duyệt, để triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT xây dựng tiến độ triển khai chi tiết để bảo đảm khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022. Bộ GTVT đã khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật các dự án. Đến nay, đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn; khảo sát địa chất đạt trên 80% và sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 9/2022. Công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm tra, thẩm định đang được tiến hành song song đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Công tác lập thiết kế kỹ thuật hiện nay đang bám sát tiến độ yêu cầu, bảo đảm phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công các dự án vào cuối năm 2022.
Ngoài khó khăn liên quan đến công tác GPMB, theo Chính phủ, hiện nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong khu vực.
Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa nguồn cát hiện có, bổ sung các mỏ mới, nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nhưng vẫn còn nguy cơ thiếu hụt cát đắp ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn về nguồn cát đắp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Dự án.