Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km.
Để đạt mục tiêu có khoảng 5.000km vào năm 2030, dự thảo Tờ trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 của Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra mục tiêu đầu tư hoàn thành thêm hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc. Trong số 9 tuyến mới được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TPHCM.
Cụ thể, 9 tuyến đường sắt mới được đầu tư trong giai đoạn này gồm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ đề xuất ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (665km), trong đó xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội-Vinh (295km), Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh (370km). Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỷ đồng.
|
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đề xuất giai đoạn 2021-2030 ưu tiên đầu tư 9 tuyến mới, trong đó ưu tiên hàng đầu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM.
|
Tuyến Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân (129km) nhu cầu vốn 6.000 tỷ đồng; xây dựng đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Cái Lân (78km), nhu cầu vốn 48.400 tỷ đồng; đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu (84km) bố trí vốn đầu tư 10.009 tỷ đồng; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành (38km) nhu cầu vốn đầu tư 6.604 tỷ đồng; tuyến Tân Ấp-Mụ Giạ-Vũng Áng (119km); đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ (174km) nhu cầu bố trí vốn là 123 tỷ đồng và Dĩ An-Lộc Ninh (128km) chỉ bố trí được 100 tỷ đồng.
Cùng với đầu tư xây dựng mới các tuyến đường sắt, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất ưu tiên bố trí 47.269 tỷ đồng để nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có trong giai đoạn 2021-2030 nhằm nâng cao năng lực hạ tầng, khai thác hiệu quả vận tải.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 và nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có lên tới 239.030 tỷ đồng. Nguồn vốn này dự kiến được huy động từ ngân sách Trung ương, vốn vay và đầu tư theo hình thức PPP (công-tư).
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt trong khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên; đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng cơ bản kết nối thuận lợi, từng bước xóa bỏ các hạn chế về điều kiện địa lý giữa các vùng, miền, khu vực, cho phép rút ngắn thời gian đi lại cũng như thay đổi khái niệm về không gian giữa các địa phương, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại các khu vực kém phát triển, góp phần mở rộng không gian, chia sẻ và giảm áp lực cho các đô thị lớn.