Đổi màu biển số xe kinh doanh vận tải: Vá lỗ hổng trong quản lý vận tải

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Xe kinh doanh vận tải sẽ phải đổi sang biển số màu vàng kể từ ngày 1/8 tới đây khi Thông tư số 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực. Vậy điều này sẽ tạo ra những hiệu ứng gì trong đời sống xã hội cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải?

Lo ngại tốn kém?
Đơn vị ban hành thông tư lý giải, việc phân định màu sắc phương tiện là để thực hiện Nghị quyết 12 của Chính phủ về đăng ký hệ biển màu biển để nâng cao quản lý đồng thời sẽ giúp cơ quan chức năng biết được đây là xe kinh doanh vận tải. Đặc biệt, việc xe kinh doanh vận tải mang màu biển số riêng biệt sẽ là dấu hiệu nhận diện tốt để các cơ quan chức năng thuận lợi trong công tác kiểm soát, phát hiện và xử lý những trường hợp cố tình đi vào phố cấm hay trong giờ cấm. Đây vẫn là một trong những nhiệm vụ phức tạp và gặp rất nhiều khó khăn mà cơ quan chức năng các TP lớn, trong đó có Hà Nội đang mắc phải.
Trên thực tế, quy định đổi màu biển số xe kinh doanh của Thông tư 58 đang vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt là từ phía các DN vận tải. Chủ tịch Liên hiệp HTX Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng, việc chuyển đổi biển số ban đầu sẽ gây khó khăn và phát sinh chi phí cho DN và tài xế.
Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, hiện đơn vị của ông có hơn 20.000 đối tác thành viên là các tài xế taxi công nghệ, mỗi biển số đổi màu sẽ tốn 150.000 đồng (theo quy định của Bộ Tài chính), như vậy hơn 20.000 đối tác thành viên của Liên hiệp HTX Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 sẽ tốn khoảng 3 tỷ đồng để đổi màu biển số. “Việc làm thủ tục cấp đổi biển sẽ ít nhiều bị gián đoạn đến hoạt động vận tải của DN và thu nhập của tài xế” – ông Tuấn nói; đồng thời cũng lo ngại việc phân biệt quá giữa xe biển trắng/biển vàng sẽ tạo tâm lý e ngại cho chủ sở hữu xe kinh doanh vận tải. Điều này có thể dẫn tới số lượng xe công nghệ giảm đi một lượng lớn.
“Sợi dây cương” chế tài cần thiết
Tuy nhiên, đứng trên phương diện quản lý Nhà nước, một chuyên gia giao thông (xin được giấu tên) cho rằng, việc quy định xe kinh doanh vận tải phải mang biển số màu riêng biệt (màu vàng) là cần thiết để tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải. Theo chuyên gia này, cách đây không lâu, Nghị định 10/2020 quy định về Kinh doanh và Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chính thức được ban hành. Đây là nghị định gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình Bộ GTVT dự thảo. Trong đó, một trong những trọng tâm của các tranh cãi là quy định về dấu hiệu nhận diện đối với loại hình xe công nghệ (đại diện tiêu biểu là Grab). Trong gần như phần lớn các lần dự thảo, Bộ GTVT đều khẳng định quan điểm coi Grab là đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi nên phải “đeo mào” (hộp đèn trên nóc xe) để nhận diện.
Tuy nhiên, cuối cùng Bộ GTVT đã gây bất ngờ khi quyết định cho cả taxi truyền thống và xe công nghệ có quyền lựa chọn gắn "mào" taxi trên nóc xe hoặc phải dán chữ "XE TAXI" bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe. “Quy định này nếu nhìn bề ngoài thì nhiều người nhầm tưởng là “cởi trói” cho cả xe công nghệ và taxi truyền thống nhưng thực tế là sự “thả lỏng” và sẽ gây ra rất nhiều phiền toái, khó khăn cho công tác kiểm soát của cơ quan chức năng. Ngay cả các nước phát triển họ vẫn quy định xe taxi phải đeo mào để nhận diện thế mà chúng ta lại mạnh dạn bỏ” – chuyên gia giao thông này nói.
Chính vì quy định “thả lỏng” cho xe taxi và xe công nghệ trong Nghị định 10/2020 nên việc Thông tư 58 yêu cầu xe kinh doanh vận tải (trong đó có gần 1 triệu chiếc là các loại xe taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe hợp đồng) phải đổi màu biển số sang màu vàng được vị chuyên gia giao thông này đánh giá cao. “Đây là sợi dây cơ chế cần thiết để ràng buộc đối với loại hình kinh doanh vận tải bằng xe taxi, xe hợp đồng hay xe công nghệ khi trước đó đã được thả lỏng trong Nghị định 10/2020. Nếu không có những sự ràng buộc về mặt nhận diện thì hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải sẽ gặp vô vàn khó khăn. Đây mới là điều quan trọng nhất chứ không phải con số 150.000 đồng chi phí cho mỗi biển số đổi màu” – chuyên gia giao thông này khẳng định.
Bản thân ông Nguyễn Xuân Tuấn - Chủ tịch Liên hiệp HTX Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 dù bày tỏ quan ngại việc đổi biển số xe kinh doanh vận tải sang màu vàng sẽ gây tốn kém và tâm lý e ngại cho các chủ xe nhưng cũng thừa nhận, việc kiểm soát sự an toàn trong lĩnh vực này là cần thiết và phù hợp. 
Khắc phục bất cập từ những hộp đen
Một lý do nữa khiến quy định xe kinh doanh vận tải đổi màu biển số sang vàng trở nên cần thiết chính là những bất cập trong việc quản lý và sử dụng hệ thống dữ liệu từ các thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên các xe kinh doanh vận tải. Quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt hộp đen đã được Bộ GTVT triển khai từ nhiều năm trước. Đến nay, hàng triệu phương tiện ô tô đều đã trang bị thiết bị này. Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng thông qua những hộp đen này vẫn có những lỗ hổng lớn bởi rất nhiều hộp đen trong số đó đang bị tê liệt hoặc dữ liệu thu được chỉ để lưu kho. Nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là do hệ thống máy chủ trên Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoạt động, kết nối dữ liệu không ổn định, nhiều dữ liệu về trạng thái của xe không được truyền về.
Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện (thuộc Cục CSGT, Bộ Công an) nhận định, việc đổi biển số sang màu vàng, kích thước lớn hơn sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng trong việc nhận biết và quản lý đồng thời cũng khẳng định thủ tục đổi biển sẽ được thực hiện rất nhanh chứ không mất thời gian như nhiều người lo ngại. Và mức lệ phí cho việc đổi biển không quá lớn nên chắc chắn không tạo nên gánh nặng cho chủ xe và nếu quản lý tốt còn có thể giảm bớt các chi phí khác như dán logo hay tem nhận diện.
Chủ xe nộp đầy đủ giấy tờ cần thiết sẽ được làm thủ tục bấm và cấp biển số ngay lập tức chứ không phải chờ 7 ngày như trước. Chúng tôi không dồn toàn bộ người dân về các điểm đăng ký tập trung, người ở địa phương nào sẽ tới đổi biển ở cơ quan đăng ký xe địa phương đó. Tới nay, các địa phương, đơn vị đều bảo đảm cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ, sẵn sàng cho ngày 1/8 tới đây.
Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện (thuộc Cục CSGT, Bộ Công an) - Trung tá Phạm Việt Công

Theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của Thông tư 58, biển số ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z. Trong đó, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8. Các phương tiện kinh doanh hoạt động trước ngày Thông tư 58 có hiệu lực sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021. Ngoài ra, ô tô rơmoóc, sơmi rơmoóc trong nước hoặc có kết cấu tương tự được lắp ráp trong nước sẽ được gắn 2 biển số ngắn với kích thước mới có chiều cao là 165mm, chiều dài là 330mm. Riêng xe chuyên dùng khi được cơ quan chức năng cấp phép sẽ được đổi sang 2 biển số có kích thước, chiều cao là 110mm, chiều dài 520mm, hoặc 1 biển số ngắn và 1 biển số dài, kinh phí phát sinh do chủ xe chịu trách nhiệm.

Quý Nguyễn

Tin liên quan