Ứng dụng công nghệ kiểm soát cả học và thi
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 13-11 cho thấy, Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 (quận Long Biên) có khá đông học viên tập lái trong sa hình dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Đề cập tới công tác chuẩn bị về trang thiết bị, cơ sở vật chất khi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT có hiệu lực, đặc biệt là về yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm kiểm soát tốt quá trình học và thi, ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2 cho biết, đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera gồm 7 chiếc, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Các camera này được bố trí ở phòng thi lý thuyết và sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch theo đúng quy định tại thông tư này.
Dữ liệu từ các camera này được kết nối trực tuyến với hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu với các sở giao thông - vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo yêu cầu thì từ ngày 1-1-2021, tất cả cơ sở đào tạo, sát hạch phải trang bị hệ thống cabin điện tử được cài đặt phần mềm mô phỏng kỹ thuật lái xe và từ ngày 1-5-2021, sát hạch lái xe sẽ có thêm phần thi trên cabin điện tử. Về vấn đề này, ông Lê Văn Đại cho biết, hiện các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch vẫn đang chờ Bộ Giao thông - Vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để làm cơ sở đầu tư trang thiết bị này.
Không chỉ Trung tâm Đào tạo nghề - Công ty cổ phần Vận tải ô tô số 2, mà toàn bộ 13 trung tâm sát hạch lái xe do Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội quản lý đều đã đầu tư hệ thống camera có chức năng giám sát, chia sẻ dữ liệu trực tuyến về các cơ quan quản lý nhà nước từ trước ngày 1-11-2019 nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải sẵn sàng hoạt động vào ngày 1-1-2020.
Một thay đổi nữa cũng đáng chú ý tại thông tư này là từ ngày 1-1-2020, khi thi giấy phép lái xe các hạng B1, B2 và C, học viên phải học thêm môn “Đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông”. Trong đó, môn học đạo đức lái xe phải học 3 giờ; môn văn hóa giao thông 3 giờ; môn phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông 2 giờ.
Bày tỏ sự cần thiết phải tăng cường giáo dục đạo đức người lái xe, ông Lê Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm Sát hạch cấp giấy phép lái xe thành phố Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, không phải đến khi thông tư mới được ban hành, đơn vị mới chú trọng đến vấn đề này. Từ trước đó, toàn bộ 27 xe phục vụ sát hạch của trung tâm đều đã dán khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống tác hại của bia, rượu khi lái xe và nội dung này được lồng ghép trong quá trình đào tạo.
Song, cũng như nhiều cơ sở đào tạo, sát hạch khác trên toàn quốc, trung tâm đang chờ nội dung chương trình học do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn để đưa vào ứng dụng một cách thống nhất.
Loại bỏ tình trạng học qua loa, thi hình thức
Ông Nguyễn Hồng Khánh (số 61 Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng) cho hay, lâu nay đào tạo lái xe vẫn theo kiểu “khoán trắng” cho giáo viên. Thực hành dã ngoại thì 4-5 học viên chung 1 xe chia nhau tập. Thời gian thực hành không đủ, nên không ít học viên sau khi thi đỗ, có giấy phép lái xe vẫn không tự tin, thậm chí thiếu nhiều kỹ năng khi điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Vì thế, việc tăng giám sát, “siết” đầu ra như vậy là rất cần thiết.
Đánh giá cao về quy định mới tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc tăng cường ứng dụng công nghệ sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát được thời gian học lý thuyết cũng như thực hành của các cơ sở đào tạo và học viên; hạn chế tình trạng cắt xén chương trình, bảo đảm thời gian học thực hành thực tế là 84 giờ, hoặc hơn 1.000km theo đúng quy định. Với khâu sát hạch, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông - vận tải, các cơ quan liên quan và học viên cùng tham gia giám sát sẽ góp phần hạn chế được tiêu cực.
“Cùng với tăng cường giáo dục đạo đức người lái xe cho học viên thì cũng cần quản lý chặt chất lượng và đạo đức người dạy. Phải làm sao để cả người dạy và người học nhận thức được lái xe không chỉ là hành động tham gia giao thông, mà còn trở thành một nét văn hóa, đạo đức của người cầm lái” - ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị.
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), tới đây thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của từng học viên sẽ được giám sát chặt chẽ. Trên xe tập lái được lắp thiết bị giám sát, mỗi học viên sẽ có mã định danh. Khi học viên lên xe, nhập mã này vào hệ thống, thiết bị sẽ kiểm soát thời gian cũng như quãng đường thực hành của học viên. Dữ liệu này được truyền về Tổng cục. Khi đủ thời gian học thực hành theo quy định, Tổng cục mới phê duyệt cho dự sát hạch.