Trong 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả cùng tỉnh Cao Bằng nghiên cứu dự án giao thông cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những nghiên cứu, đề xuất rất quan trọng với điểm đầu tại nút giao khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn); điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km) đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km tại 2 huyện Văn Lãng, Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km, gồm các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An và Thành phố.
Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua 2 huyện: Quảng Hòa, Hòa An và Thành phố; tổng vốn đầu tư dự án giảm còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó 47.520 tỷ đồng.
Ngày 10/8/2020, tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.
Dự án với quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 20%, ngân sách địa phương 20%, còn 60% là vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng). Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km từ Cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng); giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22 km từ huyện Quảng Hòa đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh) và mở rộng hoàn thiện mặt cắt ngang đoạn còn lại.
Sau khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội và ngược lại sẽ rút ngắn từ 6 - 7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3,5 giờ tham gia giao thông. Dự án tạo ra tuyến cao tốc chạy dọc biên giới Việt - Trung, kết nối vào hệ thống cửa khẩu dọc tuyến, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu 2 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.