Theo kế hoạch ban đầu, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử và khai thác vào 30/6/2015. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, dự án từng được kỳ vọng là “biểu tượng” của hạ tầng giao thông đô thị của cả nước đã lỡ hẹn ngót nghét nửa thập kỷ.
Lập tổ công tác tháo gỡ các khó khăn
Điều mà dư luận không ngừng nhắc đến trong thời gian gần đây là vì sao dự án này mãi không chịu “về đích”, dù khối lượng công việc đã gần như hoàn tất? Và, đâu là giải pháp để sớm đưa dự án này vào khai thác?
Thời gian qua, nhắc đến Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhiều chuyên gia đã đưa ra liên tưởng dự án này với một vận động viên chạy tiếp sức nhưng lại bị kiệt sức ngay trước vạch đích. Dù thấy rõ ràng trước mắt mình là “ngưỡng cửa thiên đường” nhưng vận động viên này vẫn loay hoay không sao bò dậy để hoàn thành nốt hành trình.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
|
Cách ví von này, nghe có vẻ hơi khiên cưỡng nhưng ở một góc độ nào đó không phải không có lý. Có chuyên gia chia sẻ: Một cuộc thi chạy tiếp sức đòi hỏi sự phối hợp đồng đều của tất cả các vận động viên tham gia cuộc thi. Nếu những người thi trước có thành tích quá tệ, người “chốt sổ” dù có xuất sắc đến đâu cũng không thể san lấp được. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lúc này, có một sự tương đồng kỳ lạ với hình ảnh vận động viên “chốt sổ” kia.
Cần phải thấy rằng, trong khoảng 2 năm trở lại đây, với sự vào cuộc phối hợp tích cực của TP Hà Nội, Bộ GTVT đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực đưa “đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông” cán đích. Cuối tháng 3/2020 vừa qua, Hội nghị giữa Thành ủy Hà Nội với Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan và Ban cán sự Đảng UBND TP về tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và các dự án trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội thành công tốt đẹp.
Hội nghị thống nhất thành lập một tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng của dự án. Đồng thời, Bộ GTVT và Thành ủy Hà Nội đã đi đến nhất trí với phương án sẽ thực hiện “nghiệm thu có điều kiện” đối với Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhằm sớm đưa dự án này vào sử dụng cũng như xử lý triệt để các vướng mắc của Bộ GTVT với Tổng thầu Trung Quốc. Đây được đánh giá là những thành công về mặt chủ trương mang tính chất đột phá nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc còn tồn tại ở dự án đường sắt đô thị này.
Cuối tháng 4 vừa qua, Tổ công tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức được thành lập mang tới nhiều kỳ vọng sẽ được hiện thực hóa trong thời gian sắp tới.
Nút thắt ở tổng thầu
Ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc để đưa dự án về đích, các chuyên gia cho rằng, việc làm rõ cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm khi để dự án chậm tiến độ cũng rất quan trọng để lấy lại niềm tin từ người dân và dư luận.
Cần sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại. Ảnh: Nguyễn Quý
|
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nỗ lực của Bộ GTVT, TP Hà Nội và những cơ quan liên quan trong thời gian qua nhằm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông về đích là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo TS Cao Sỹ Kiêm, vấn đề chính khiến dự án này đang gặp vướng mắc lại không nằm ở phía Việt Nam mà chính là thái độ thiếu hợp tác từ phía Tổng thầu Trung Quốc. “Lâu nay, mỗi lần nói đến việc chậm tiến độ tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là mỗi lần cụm từ “lỗi thuộc về tổng thầu” lại được nhắc tới.
Bản thân Bộ GTVT cũng liên tục nhắc đi nhắc lại điều này bất cứ khi nào bị dư luận chất vấn về dự án này” - TS Cao Sỹ Kiêm nói. Theo ông Kiêm, theo dõi diễn biến của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong thời gian qua có thể dễ dàng nhận thấy tổng thầu chưa thể hiện thiện chí cần thiết để giải quyết các vướng mắc tại dự án dù họ thừa hiểu chúng ta đang rất sốt ruột, muốn đưa dự án vào khai thác thương mại càng sớm càng tốt.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cũng cho rằng, vấn đề không chỉ ở chỗ tổng thầu không thể hiện thiện chí trong việc tháo gỡ những vướng mắc ở dự án mà còn có dấu hiệu cố tình kéo dài thời gian để trốn tránh trách nhiệm tại dự án này. Ông Thủy nhắc đến một vấn đề mà đơn vị tư vấn của Pháp đã chỉ ra ở dự án này, đó là việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ. Chính vì điều này khiến cho dự án bị kéo dài thêm ít nhất nửa năm hoặc lâu hơn nữa.
“Việc bổ sung các hồ sơ rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian vì chúng ta đã có máy móc, kỹ thuật rất hiện đại, đo đạc, đánh giá dễ dàng, nhanh chóng. Để hoàn thiện việc này chỉ mất khoảng từ nửa tháng tới một tháng là cùng chứ không thể kéo dài tới nửa năm hay vài năm như cảnh báo” - ông Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Vẫn theo ông Thủy, việc chậm tiến độ ở Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có phần lỗi không nhỏ từ phía Bộ GTVT. Với tư cách là chủ đầu tư dự án đồng thời cũng là đơn vị chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án nhưng hết lần này đến lần khác, Bộ GTVT chỉ biết đổ lỗi cho tổng thầu. Đương nhiên, lỗi của tổng thầu là đúng song tại sao Bộ GTVT không có giải pháp để chấn chỉnh tổng thầu để họ cứ chây ì như vậy suốt bao năm qua.
“Bộ GTVT phải có trách nhiệm trong chuyện này, phải chịu trách nhiệm trước việc không đưa được dự án vào hoạt động. Phải làm rõ tại sao dự án mãi không thể đưa vào khai thác thương mại. Do công nghệ, thiết bị lạc hậu, nguy cơ không bảo đảm an toàn, dễ gây cháy nổ, tai nạn, dầm trụ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật hay còn vì lý do nào khác? Bộ GTVT có trách nhiệm trả lời rất rõ ràng để dư luận được biết” - ông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Chiều 6/5, trả lời ý kiến cử tri quận Bắc Từ Liêm trong buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, chủ đầu tư của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là Bộ GTVT nhưng TP Hà Nội sẽ tiếp nhận, khai thác và trả nợ toàn bộ tiền đầu tư. Về phía TP Hà Nội đã làm việc với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy dự án sớm đưa vào khai thác nhằm giảm tải mật độ giao thông của TP.
|