|
Thi công 3 ca/ngày tại Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. |
ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đang được người dân rất mong chờ, sớm đưa vào khai thác, vận hành đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy để đáp ứng nhu cầu đi lại, góp phần giảm thiểu UTGT trên tuyến QL32 - Xuân Thủy - Cầu Giấy.
Thông tin từ Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, các gói thầu của đoạn tuyến trên cao đang đạt tiến độ rất khả quan. Cụ thể, gói thầu CP01: Xây lắp cầu cạn đã hoàn thành 100%; nhà thầu đang thực hiện công tác hoàn công, nghiệm thu và bàn giao hạng mục. Gói thầu CP02: Nhà ga trên cao đạt 71,3% khối lượng; đang tiến hành thi công kiến trúc, mái thép và các lối vào ga. Gói thầu CP05: Khu Depot - ga đầu toàn tuyến tại Nhổn tổng thể đã đạt 58,22%; đang thi công hoàn thiện các nhà chính.
Gói thầu thiết bị CP06 hiện đạt 50,58% khối lượng; nhà thầu đang tiếp tục thiết kế, sản xuất và vận chuyển thiết bị về Việt Nam. Phó Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu khẳng định, các hạng mục cung cấp điện, thông tin, tín hiệu sẽ bảo đảm tiến độ, phục vụ vận hành trước đoạn trên cao vào tháng 4/2021. “Chúng tôi sẽ phấn đấu đưa đoàn tàu đầu tiên về nước vào tháng 7 tới để chuẩn bị vận hành thử nghiệm” - ông Hiếu cho hay.
Cùng với đó, gói thầu CP07: Lắp đặt thiết bị tại các nhà ga cũng đã đạt tổng thể với 40,81%. Theo kế hoạch, các nhà thầu hiện đang tập trung sản xuất và lắp đặt theo phương án vận hành trước đoạn trên cao. Ga S01 và S06 đang hoàn thiện, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm ống hệ thống phòng cháy chữa cháy và thử kín ống gió. Gói thầu lắp đặt đường ray CP08 đã đạt 52,6%, hoàn thành hàn ray tại tuyến trên cao và Depot, đang thi công lắp đặt ray cấp điện S3 - S4. Gói thầu cuối cùng CP09: Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống đường sắt 4 - Hệ thống thu vé tự động (AFC) cũng đã được ký kết với Nhà thầu thực hiện là nhóm Công ty RATP Smart Systems và Flowbird đến từ Cộng hòa Pháp.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 3/2, công trường Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã gấp rút bước vào thi công với cường độ 3 ca/ngày, duy trì số lượng nhân sự thường xuyên tại dự án là 836 người. Ông Nguyễn Đình Việt - Chỉ huy trưởng công trường Nhà ga S9, ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội cho biết, các chuyên gia, kỹ sư của Nhà thầu thi công, tư vấn giám sát từ châu Âu, Hàn Quốc đã tập kết đầy đủ tại công trường, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn tuyến. Ông Lê Trung Hiếu thông tin thêm, tháng 11 tới, robot đào ngầm Tunnel Boring Machine (TBM) sẽ được chuyển về công trường ga S9, tiến hành hạ và lắp đặt, bắt đầu thi công các ga và tuyến ray ngầm.
Hiện nay, vẫn còn một số khó khăn nhất định trong quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các ga ngầm S9, 10, 11, 12. Tuy nhiên Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương, sở ngành liên quan, nỗ lực giải quyết dứt điểm để bảo đảm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Ông Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, tập trung cao nhất để từng phần của dự án về đích đúng tiến độ mới đề ra”.