Dự án trị giá 7.000 tỷ đồng của ngành Đường sắt đang cách “vạch đích” bao xa?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Để hoàn thành mục tiêu đưa dự án “cán đích” vào cuối năm nay, ngành Đường sắt đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án trị giá 7.000 tỷ đồng của mình, vừa đảm bảo công tác thi công, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch.

Du an tri gia 7.000 ty dong cua nganh Duong sat dang cach “vach dich” bao xa? - Hinh anh 1
 Dự án 7.000 tỷ đồng sẽ cải thiện đáng kể hạ tầng ngành Đường sắt.
Ảnh: Nguyễn Thành

“Vạch đích” không còn xa

Nếu như Hàng không có dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đường bộ có “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông thì Đường sắt cũng đang triển khai một dự án “khủng” không kém, đó chính là Dự án 7.000 tỷ vốn trung hạn cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Kể từ thời điểm gói thầu đầu tiên của dự án này được khởi công vào ngày 8/5/2020, đến nay, trải qua hơn 1 năm thi công, dự án “khủng” này đang ngày một tiến dần tới “vạch đích”. Mục tiêu đưa dự án “cán đích” vào cuối năm 2021 đã nằm trong tầm tay của ngành Đường sắt.

Cập nhập về tiến độ dự án, Ban Quản lý (BQL) dự án Đường sắt cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hạng mục công trình quan trọng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác an toàn. Trong đó, dự án cầu yếu đã hoàn thành trả tốc độ cho 59 cầu/125 cầu; Dự án Hà Nội - Vinh đã hoàn thành trả tốc độ được 12/15 khu gian; Dự án Nha Trang - Sài Gòn hoàn thành 4/5 khu gian và 2 ga…

“Các gói thầu còn lại đang được các bên tích cực thực hiện, trong đó một số gói thầu sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 8, tháng 9/2021, như các gói xây lắp XL-CY-06, XL-CY-03 dự án cầu yếu dự kiến hoàn thành 30/8/2021” – đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết.

Đại diện Ban QLDA Đường sắt cho hay, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, Ban và các nhà thầu, tư vấn mở nhiều mũi thi công đồng loạt; triển khai theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu hoàn thành ngay đến đó để đưa vào khai thác đảm bảo tốc độ thiết kế.

Bên cạnh đó, Ban QLDA Đường sắt cũng đã chủ động xác định đường găng tiến độ và dành quỹ thời gian dự phòng và đánh giá những nguy cơ chậm tiến độ để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tiến độ chung của dự án ngay từ khi lập kế hoạch tiến độ cho dự án.

Du an tri gia 7.000 ty dong cua nganh Duong sat dang cach “vach dich” bao xa? - Hinh anh 2
Những công trường dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng vẫn đang sôi động và khẩn trương. Ảnh: Anh Minh 

Vượt “bão” dịch bệnh để thi công

Triển khai vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, dự án 7.000 tỷ đồng của ngành Đường sắt đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đặc biệt là đợt bùng phát mới đây nhất tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thêm vào đó, dự án thi công trong điều kiện rất đặc biệt, đó là vừa thi công vừa phục vụ tàu chạy. Do đó, để đảm bảo tiến độ dự án là điều không hề dễ dàng.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án gặp khó và buộc phải kéo dài. Thêm vào đó, việc dự án rải dài trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có phạm vi, diện tích, khối lượng GPMB nhỏ, phân tán và thực hiện tại nhiều địa phương nên quá trình thực hiện mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng lớn đến toàn dự án, vì bị tạm dừng thi công trong những tháng qua.

"Do thực hiện giãn cách xã hội, việc cung cấp bê tông, đá ballast, tà vẹt, đường ray… vào công trường bị đình trệ do vận chuyển khó khăn; việc huy động máy móc, nhân lực phục vụ thi công bị gián đoạn. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật từ các tỉnh có dịch như TP Hồ Chí Minh khi được điều động ra hiện trường đều phải cách ly 14 ngày, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các cầu" – đại diện nhà thầu cho hay.

Để đảm bảo tiến độ thi công trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chủ đầu tư và các nhà thầu đã phải thực hiện nhiều giải pháp đồng độ. Đơn cử như tại hạng mục sàng dầm cầu Châu Me Km 995+695, các tổ thi công vừa lập kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng công đoạn, đánh giá những nguy cơ chậm tiến độ để điều chỉnh kịp thời, vừa phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 người lao động tham gia tại công trình để đảm bảo tiến độ từng ngày.

Ông Mai Minh Việt – Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, bằng nhiều giải pháp phù hợp và hiệu quả, dự án đã khắc phục được những khó khăn và vẫn đang đảm bảo tiến độ tốt. Đặc biệt, công tác an toàn phòng dịch trên công trường luôn được đảm bảo tuyệt đối.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu tuân thủ nghiêm quy định giãn cách của địa phương để đảm bảo vừa phòng dịch vừa thi công. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh lại tiến độ theo hướng ưu tiên các mũi thi công tại khu vực không bị giãn cách hoặc khu vực bị giãn cách theo Chỉ thị 15 để tăng tốc về đích các gói thầu còn lại" – Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt nói.

Tin liên quan