|
Tuyến đường Vành đai 2. |
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngày 12/11, Sở đã cho phép Chủ đầu tư tuyến đường trên dựng rào chắn, và yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức phân luồng giao thông tại một số điểm trên tuyến đường nêu trên. Thời hạn giấy phép từ ngày 13/11/2021.
Cụ thể, rào chắn trên đường Đại La – Minh Khai (đoạn nút giao Chợ Mơ – Trương Định – Bạch Mai), các phương tiện có nhu cầu quay đầu hoặc rẽ phải tại điểm mở tại số nhà 124A Minh Khai và số nhà 89 Đại La, chiều dài đến điểm quay đầu 200m trên đường Minh Khai – Đại La. Dự kiến thời gian dựng rào từ ngày 1/12/2021 đến 30/6/2022.
Tại nút giao Trần Đại Nghĩa – Đại La, rào chắn có chiều dài 330m, các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua nút này sẽ được rẽ phải, quay đầu tại các vị trí số nhà 95 Đại La và số 173 Đại La, chiều dài điểm quay đầu là 150m. Dự kiến thời gian dựng rào chắn từ ngày 13/11/2021 đến 30/6/2022.
Nút Ngã Tư Vọng – cầu vượt Giải Phóng; nút Phố Vọng được chia làm 2 đoạn, đoạn 1 có chiều dài 280m, bắc đầu từ số nhà 173 Đại La đến sát phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Đoạn 2 có chiều dài 100m. Các phương tiện có nhu cầu đi từ đường có thể rẽ hoặc quay đầu tại các điểm mở số nhà 199 Đại La và số 102 Trường Chinh. Dự kiến thời gian dựng rào chắn từ ngày 13/11/2021 đến 30/6/2022.
Đối với tuyến Trường Chinh – Đại La – Minh Khai, tổ chức giao thông một chiều cho các phương tiện lưu thông trên phần đường Trường Chinh – Đại La – Minh Khai mới mở rộng đến lớp BTN C19 đoạn từ cầu Ngã Tư Vọng – Giải Phóng đến cầu Mai Động.
Nhằm đảm bảo an toàn, Sở GTVT yêu cầu đơn vị thực hiện bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hệ thống biển báo, sơn kẻ hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ, hoàn trả mặt bằng đường phục vụ giao thông tại các điểm quay đầu trước khi tiến hành rào chắn thi công. Tổ chức rào thử 3-5 ngày, đánh giá hiệu quả công tác tổ chức giao thông trước khi tổ chức rào chính thức.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công chịu trách nhiệm chủ trì, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại các vị trí điểm quay đầu và trung tâm nút giao từ 03-05 người/vị trí, phối hợp với lực lượng CSGT và TTGT hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện giao thông tại các chốt trực. Khi có hiện tượng ùn tắc giao thông phải có phương án phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo thông suốt.
Sở GTVT cũng yêu cầu Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông; Thanh tra sở GTVT Hà Nội; Trung tâm quản lý giao thông công cộng và một số đơn vị có liên quan phối hợp với Chủ đầu tư để đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông trên tuyến.
Trục đường Vành đai 2 của Hà Nội được quy hoạch theo lộ trình: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy. Đến nay, Hà Nội đang gấp rút hoàn thành các đoạn tuyến chưa được mở rộng đồng bộ nhằm nâng cao năng lực đáp ứng giao thông với đường trên cao, dưới thấp.