Các chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc, mỗi đô thị có từ 2 triệu dân trở lên đã cần phải xây dựng ĐSĐT nếu không muốn rơi vào cảnh UTGT thường xuyên.
Hiệu quả cao
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, kinh nghiệm thực tế từ quá trình phát triển đô thị trên khắp thế giới đều cho thấy ĐSĐT luôn đóng vai trò chính trong giao thông vận tải của các TP lớn. Mặt khác, Hà Nội là một đô thị lớn với những “mảng đặc” gần như không thể đủ chi phí để làm đường xuyên qua. Trong bối cảnh đó, ĐSĐT đi ngầm hoặc đi trên cao chính là một giải pháp cứu cánh cho giao thông đô thị.
Dân số Hà Nội đã tăng lên hơn 8 triệu người vào năm 2020, dự kiến lên tới 9 triệu người vào năm 2030. Theo tính toán, tại thời điểm này, mỗi giờ đồng hồ Hà Nội có từ 25.000 - 50.000 lượt hành khách có nhu cầu di chuyển (chỉ tính riêng trong nội đô). Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng năng lực của hệ thống vận tải công cộng, phương pháp hiệu quả nhất chính là ĐSĐT, đặc biệt khi nó được kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải công cộng khác.
Tàu đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội trong ngày chạy thử nghiệm.
|
Hiện nay, Hà Nội đã có tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đưa vào khai thác; tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến vận hành trước đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy trong năm 2021. Theo tính toán, hai tuyến ĐSĐT này sẽ đáp ứng khoảng 30 - 40% nhu cầu đi lại bằng vận tải công cộng trên hai trục đường đi qua, giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân, UTGT và ô nhiễm môi trường không khí.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ, trong bối cảnh UTGT và ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, nhiệm vụ hạn chế phương tiện giao thông được đặt lên hàng đầu. Muốn làm được điều đó, không thể thiếu ĐSĐT. Bởi đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại cho hàng nghìn người mỗi chuyến. Đây sẽ là xương sống của hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế phương tiện cá nhân.
Ông Vũ Hồng Trường khẳng định: “Việc thu hồi vốn, tính toán hiệu quả kinh tế riêng của ĐSĐT là khó. Nhưng những giá trị mà nó mang lại trong thực tế vô cùng lớn. Không đô thị lớn nào phát triển mà thiếu được vận tải công cộng khối lượng lớn, trong đó có ĐSĐT”.
Tiền đề nâng cao giá trị cuộc sống
Bên cạnh giải quyết các vấn đề giao thông đô thị, giảm thải tác động tới môi trường, bảo vệ cảnh quan, việc phát triển hệ thống ĐSĐT còn là tiền đề để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô. Các chuyên gia cho rằng, ĐSĐT cũng là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trước hết là giá trị của các bất động sản dọc theo tuyến ĐSĐT sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các nhà ga có thể trở thành trung tâm thương mại với sức lan tỏa rộng rãi ra khu vực xung quanh, biến những khu vực dân cư thông thường thành vị trí thương mại sầm uất. Thực tế tại nhiều nước phát triển cho thấy, nơi nào có ĐSĐT đi qua, đặc biệt khu vực có nhà ga, depot, đều hình thành các cụm dân sinh, thương mại trù phú.
Đầu tư xây dựng ĐSĐT luôn phức tạp, tốn kém, và còn mới mẻ đối với Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Nhưng với sự hiện diện của ĐSĐT, có thể khẳng định chắc chắn tình trạng UTGT, ô nhiễm môi trường sẽ được giảm thiểu mạnh mẽ. Hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại sẽ ngày càng nổi bật trong mắt bạn bè quốc tế.
Ngày 22/1, đoàn tàu đầu tiên của dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã lăn bánh, đến ga S1 đón người dân tham quan. Nhiều ý kiến đánh giá rất cao tính thẩm mỹ và hiện đại của đoàn tàu, cũng như chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực để thực hiện dự án. Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu thông tin, đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy sẽ được đưa vào vận hành, khai thác thương mại trong năm 2021.
|