Mở hành lang vận tải công cộng Tây - Nam
Dự án tuyến ĐSĐT thí điểm số 3 Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT của TP, mở ra hướng kết nối bằng vận tải công cộng khối lượng lớn trên trục hành lang Tây - Nam Thủ đô.
Dự án dược tách thành hai dự án nhỏ gồm: Đoạn tuyến 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội đang thi công; và đoạn tuyến 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Đây là dự án ĐSĐT thí điểm đầu tiên do TP làm chủ đầu tư. Hiện đoạn tuyến 3.1 đang chuẩn bị được đưa vào khai thác hợp phần trên cao Nhổn – Cầu Giấy, dự kiến đến năm 2025 sẽ nối tuyến đến Ga Hà Nội.
Hiện tuyến giao thông từ phía Tây sang phía Nam TP, đi vòng qua khu vực đô thị trung tâm với Ga Hà Nội là đầu mối giao thông trọng yếu đang rất “nóng”, áp lực giao thông gia tăng từng ngày. Khi tuyến ĐSĐT số 3 được khép kín với cả hai đoạn tuyến 3.1 và 3.2, nhu cầu đi lại, giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân, hỗ trợ giảm tải cho Vành đai 2 và 3 sẽ được đáp ứng toàn diện.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ là động lực rất lớn, tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, tái cấu trúc đô thị của Thủ đô nói chung. |
Vì vậy, việc chuẩn bị đầu tư đoạn tuyến 3.2 là vô cùng quan trọng và cấp bách. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ: “ĐSĐT là đại dự án có độ khó, độ phức tạp lớn, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Nếu không làm tốt khâu chuẩn bị sẽ còn phát sinh nhiều bất cập gây đội vốn, chậm tiến độ, dẫn đến hệ luỵ khôn lường”.
Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, tuyến ĐSĐT 3.2 có tổng chiều dài tuyến 8,786km trong đó tuyến đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh với 7 ga ngầm, do vậy đã giảm được tối đa diện tích giải phóng mặt bằng. Phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga đã được UBND Thành phố phê duyệt sớm, đồng thời Chính phủ cũng đã có quy định rõ về hành lang an toàn cho ĐSĐT nên công tác quản lý quy hoạch dọc tuyến tốt hơn, đảm bảo giữ được quỹ đất cho phát triển ĐSĐT.
“Đoạn tuyến 3.2 còn là cơ sở để kết nối đồng bộ tuyến ĐSĐT số 3 với tuyến số 2 tại Ga Hàng Bài; tuyến ĐSĐT số 4 tại Vành đai 2,5; tuyến ĐSĐT số 8 tại Vành đai 3, tạo nên sự gắn kết của mạng lưới ĐSĐT Hà Nội trong giai đoạn đầu. Bởi vậy, vai trò của nó là cực kỳ quan trọng” – ông Lê Trung Hiếu cho hay.
Dự kiến đến năm 2030, lưu lượng hành khách của tuyến 3.2 sẽ vận chuyển được 124.000 hành khách/ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyến ĐSĐT số 3 từ Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai sẽ là động lực rất lớn, tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, tái cấu trúc đô thị của Thủ đô nói chung.
Tách riêng giải phóng mặt bằng
Từ thực tế triển khai các tuyến ĐSĐT ở Hà Nội, trong đó tuyến 3.1 Nhổn - Ga Hà Nội đã phát sinh những vướng mắc liên quan tới bố trí vốn, giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao... dẫn đến tiến độ các dự án thường bị kéo dài, đội vốn.
Để hạn chế những vấn đề tương tự khi triển khai Dự án đoạn tuyến ĐSĐT số 3.2 Ga Hà Nội - Hoàng Mai, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cùng các tổ công tác của TP, Chính phủ rốt ráo giải quyết ngay những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là việc bố trí vốn, thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành ĐSĐT tại Việt Nam.
Theo ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, để đẩy nhanh tiến độ, khâu giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành một dự án riêng, nhằm đảm bảo có 100% mặt bằng sạch giao cho nhà thầu thi công xây dựng ngay khi ký hợp đồng. Ban sẽ tiến hành công tác giải phóng mặt bằng ngay khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Ban cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các Sở ngành, UBND các quận, huyện để thực hiện tốt công tác lấy ý kiến Nhân dân, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bên cạnh đó, Ban sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, quy định về giải phóng mặt bằng cũng như hiệu quả của dự án để tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Trước tình hình phát triển đô thị nhanh như hiện nay, việc sớm triển khai xây dựng tuyến ĐSĐT sẽ là chìa khóa để mở ra loại hình vận tải công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn của người dân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.
Ông Phan Trường Thành cũng cho rằng, từ thực tế thành công của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông cho thấy, Hà Nội cần dốc toàn lực, tập trung đầu tư, sớm hoàn thiện hệ thống ĐSĐT của TP. Đây là hướng đi tất yêu và hiệu quả nhất.
“Rút kinh nghiệm từ việc triển khai đoạn tuyến 3.1 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội), sẽ có nhiều giải pháp để giảm thời gian giải phóng mặt bằng cho tuyến 3.2. Cụ thể như: Giảm thời gian cho công tác lập, phê duyệt khung chính sách, thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Việc xác định phạm vi giải phóng mặt bằng và các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ chính xác hơn, tránh phải thực hiện nhiều lần” - ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội |