Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 02/TTr-UBND về việc thẩm định nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo UBND TP Hà Nội, những năm qua, kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng tương đối cao, tình hình chính trị xã hội ổn định, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện… đối với TP Hà Nội, để đạt được các mục tiêu phát triển được Đại hội Đảng các cấp đề ra cần thực hiện các khâu đột phá, trong đó có việc cần thiết tập trung nguồn lực, triển khai đầu tư sớm các dự án quan trong quốc gia, có sự lan tỏa lớn phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
|
UBND TP Hà Nội cho rằng, việc sớm đầu tư dự án đường Vành đai 4 để phát huy hiệu quả của tuyến vành đai liên vùng, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh. |
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014km, đã đưa vào khai thác 1.163km, đang đầu tư 916km. Trong khu vực Vùng Thủ đô mạng lưới đường bộ được quy hoạch theo dạng nan quạt gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm cùng hệ thống đường Vành đai.
Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là tuyến vành đai liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng có điểm đầu giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai địa phận huyện Sóc Sơn TP Hà Nội đến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với chiều dài 102km, quy mô 6 làn xe cao tốc và được định hướng “Đối với các tuyến đường vành đai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, liên kết hai bên tuyến đường sẽ xem xét quyết định đầu tư xây dựng công trình cầu cạn trên cao”. Để khép kín tuyến đường Vành đai đảm bảo phát huy hiệu quả tối ưu cần thiết xem xét đầu tư đồng bộ đoạn tuyến còn lại của đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến điểm cuối của đường Vành đai 4.
Theo UBND TP Hà Nội, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm thể phát huy hiệu quả các tuyến đường này, tạo dịch vụ vận tải chủ động và hiệu quả trong phát triển kinh tế khu vực. Dự án được xác định là giới hạn và hướng luồng giao thông quá cảnh không đi xuyên qua trung tâm TP Hà Nội theo quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.
Hành lang vận tải theo hướng đường Vành đai 4 còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực và đất nước: Kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội với các tỉnh trong Vùng Thủ đô và có sức lan tỏa đến các địa phương lân cận; kết nối thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống đường sắt quốc gia... Có thể nói đây là hành lang vận tải liên vùng đặc biệt quan trọng của khu vực Vùng Thủ đô.
Đường Vành đai 4 còn được xác định là giới hạn và hướng luồng giao thông quá cảnh không đi xuyên qua trung tâm TP Hà Nội để giảm tải lưu lượng xe ngày càng lớn dồn vào các cửa ngõ giao thông, đầu mối giao thông ra vào thành phố. Dự án hình thành các phương tiện quá cảnh sẽ có lựa chọn tốt để lưu thông nhằm giảm quãng đường di chuyển và hạn chế thời gian chờ do ách tắc, tăng mức độ phục vụ của tuyến đường. Việc luồng xe quá cảnh lựa chọn tuyến đường Vành đai 4 để lưu thông sẽ tiết kiệm về chi phí nhiên liệu, thời gian di chuyển…
Do vậy, UBND TP Hà Nội cho rằng, việc sớm đầu tư dự án đường Vành đai 4 để phát huy hiệu quả của tuyến vành đai liên vùng, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, liên kết các tuyến đường bộ hướng tâm, đồng thời tạo dịch vụ vận tải hiệu quả, chủ động trong phát triển kinh tế khu vực.
Sáng 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là các dự án hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng Thủ đô.
Tuyến đường sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh xung quanh, tạo kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, khai thác quỹ đất lớn để phát triển, giảm chi phí logistics và thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho cho người dân trong vùng.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đảm bảo đúng các quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2 và các cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 3/2022. Đồng thời, thành lập một tổ công tác do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm tổ trưởng Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương liên quan làm thành viên hai tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
|