|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc. |
Nan giải bài toán vật liệu san lấp đường cao tốc
Sau nhiều cuộc họp của Chỉnh phủ, cũng như các Bộ ngành với các địa phương tại khu vực ĐBSCL, phương án cung cấp vật liệu cho khu vực vẫn gặp khó. Chính vì vậy, sau buổi kiểm tra thực tế khu vực khai thác cát trên sông Tiền, đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Chúng ta cần kiểm tra và ngồi lại với nhau như thế này để thấy sức “nóng” và vai trò quan trọng của nguồn vật liệu.
Hiện nay chúng ta đang triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là trục cao tốc Bắc-Nam trong đó có đoạn Cần Thơ-Cà Mau. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, nhiều năm qua người dân đồng bằng mong đợi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp khó khăn liên quan đến nguồn vật liệu.
Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc trong khu vực ĐBSCL sẽ triển khai đồng loạt. Trong đó, nhu cầu vật liệu cát là rất lớn hơn 47 triệu m3 và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024. Riêng 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ- Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Cũng theo Thứ trưởng Lâm, thống kê tại khu vực ĐBSCL đến nay đã cấp phép 64 giấy phép khai thác cát với tổng trữ lượng khoảng 80 triệu m3, công suất khai thác khoảng 17 triệu m3/năm. Trong đó, cát san lấp là 14 triệu m3. Tuy nhiên hiện nay, trữ lượng cát san lấp còn lại chỉ khoảng 37 triệu m3, trong đó một số giấy phép đã hết hạn, một số giấy phép không được gia hạn. Mặc khác, một số mỏ chất lượng không đáp ứng yêu cầu đắp nền đường. Các mỏ đáp ứng chủ yếu tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và dù các mỏ có nâng công suất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT trước tình hình trên, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ. Đến nay, tỉnh An Giang đã cấp hơn 1 triệu m3, Đồng Tháp cấp 1,9 triệu m3. Riêng Vĩnh Long đang xác định mỏ để giới thiệu cho dự án. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang phối hợp với địa phương để triển khai các thủ tục tăng công suất mỏ và các thủ tục thăm dò, mở mỏ mới, tuy nhiên khối lượng còn lại cần cho dự án là rất lớn.
|
Khai thác cát trên sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh An Giang. |
Xác định rõ trách nhiệm của Trung ương với các địa phương, giữa địa phương với nhau
Ông Trần Anh Thư Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn hiện cấp 6 giấy phép khai thác mỏ đá với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Trường hợp các dự án cần, địa phương sẽ làm việc với các chủ mỏ để giải quyết nhu cầu.Về mỏ cát vật liệu, tỉnh cấp 15 giấy phép với tổng trữ lượng 19 triệu m3, công suất khai thác.
Trong thời gian qua, địa phương ưu tiên cung cấp cát vật liệu các dự án trên địa bàn tỉnh và dành hơn 9 triệu m3 để phục vụ cho dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đôc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ngoài ra còn hỗ trợ cho dự án cáo tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hơn 0,8 triệu m3, cam kết hỗ trợ cho Cần Thơ và Hậu Giang 6 triệu m3.
“Trước nhu cầu cấp bách hiện nay, địa phương sẽ nâng công suất ở những mỏ đã cấp giấy phép, huy động cấp phép cho các mỏ mới. Địa phương cũng đề nghị Bộ TNMT huy động các mỏ dự phòng. Bởi nếu chỉ trông chờ vào các mỏ cát hiện nay thì khó đảm bảo. Trường hợp huy động trữ lượng lớn thì sẽ ảnh hưởng đến lòng sông”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên, tại khu vực ĐBSCL, ngoài An Giang và Đồng Tháp, 9 tỉnh còn lại được cấp 30 giấy phép thăm dò, các mỏ với tổng trữ lượng đất và cát khoảng 39 triệu m3, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên bài toán ở đây là các địa phương này đồng ý chia sẽ.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, việc cần làm hiện nay đó là cân đối được tiến độ khai thác. Chính phủ sẽ điều tiết phân bổ trên cơ sở trữ lượng cát của địa phương có như vậy mới giải được bài toán khó đang đặt ra.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ và các địa phương Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định chúng ta thừa sức cung cấp vật liệu cho 4 công trình cao tốc của ĐBSCL. Tuy nhiên để có thể khai thác và phân bổ nguồn vật liệu này cần có sự chung tay của các Bộ ngành và đặc biệt là các địa phương.
Thứ nhất, tôi đề nghị các địa phương có các mỏ vật liệu cát đang hoạt động phải chủ động tăng 50% công suất. Các mỏ đá, đất chủ động tăng 200%, và tính toán các khả năng khai thác vận chuyển. Địa phương phải kích hoạt và cấp lại giấy phép các mỏ dự phòng chưa khai thác. Và khẳng định luôn trong hồ sơ là phải cấp cho các dự án trọng điểm cao tốc Bắc Nam. Tôi đề nghị phải có khảo sát đánh giá, có sự điều tiết hợp lý ngay từ phía các địa phương. Quốc hội, Chính phủ đã ra nghị quyết nên các địa phương cứ thực hiện, tôi bảo đảm tính pháp lý cho các thủ tục này.
Thứ hai, về phía Bộ TNMT, trên cơ sở các số liệu về trữ lượng hiện nay và công suất khai thác theo từng năm, Bộ TNMT phải phân bổ và điều tiết trữ lượng sát với lịch trình thi công.
Thứ ba, Bộ GTVT phải lập biểu đồ chi tiết nhu cầu vật liệu đất, cát… cho từng năm và phân bổ theo lịch trình đó, tránh phát sinh. Đồng thời cùng với các địa phương xác định giá vật liệu phù hợp, đảm bảo không làm tăng giá.Bộ GTVT cũng cần bổ sung việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng về nguồn vật liệu là đất ở Long An. Xem đây là phương án dự phòng và có tính toán về giá thành, vận chuyển.
Thứ tư, tôi đề nghị Bộ TNMT cùng với Bộ GTVT cùng ngồi lại với nhau, cùng phối hợp với các địa phương để lộ trình này được thực hiện, đảm bảo sát với yêu cầu thi công.
Trước các phương án và các bước cụ thể mà Phó thủ tướng đề nghị, lãnh đạo các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đều thể hiện sự thống nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi đợt làm việc và tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm sẽ thực hiện tại các tỉnh khác nhau. Từ đó, địa phương nào làm chủ trì các cuộc họp sẽ chủ động báo cáo tình hình, các khó khăn vướng mắc đang gặp và các bên cùng nhau tháo gỡ. Và mục tiêu chung của chúng ta là sớm hoàn thiện các tuyến đường giao thông kết nối cho khu vực ĐBSCL.