Giải pháp nào huy động vốn cho cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được đánh giá sẽ mang đến động lực lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực trung du miền núi phía Bắc phát triển. Tuy nhiên việc huy động vốn đầu tư cho dự án này đang gặp khó.

Giai phap nao huy dong von cho cao toc Bac Kan - Cao Bang? - Hinh anh 1
 QL3 qua Cao Bằng và Bắc Kạn đang rơi vào tình trạng quá tải.

 “Giải cứu” QL3 đang quá tải

Bắc Kạn và Cao Bằng là hai tỉnh miền núi, nằm trong vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh, là căn cứ địa cách mạng của chiến khu Việt Bắc. Khu vực này có địa hình bị chia cắt mạnh, đồi núi cao, hệ thống sông suối có độ dốc dọc lớn, mạng lưới giao thông chủ yếu là đường bộ, bên cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đường còn thấp ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hạ tầng giao thông tại hai tỉnh này hiện chủ yếu là giao thông đường bộ. Trong khi đó, mạng lưới giao thông đường bộ đáng kể nhất chỉ có QL3. Đây không chỉ là trục xương sống của hai địa phương này mà còn của vùng Đông Bắc đồng thời cũng là tuyến giao thông duy nhất kết nối trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội với các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng vì phải “gồng gánh” quá nhiều mà QL3 hiện đã bị quá tải và rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, tuyến đường này được đầu tư nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp với mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình khoảng 40 km/h nên hiệu suất vận tải không cao. Một mình QL3 sẽ khó lòng mang đến động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng nói riêng và khu vực trung du miền núi phía Bắc nói chung.

Trên thực tế, cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng nằm trong tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, đường cao tốc từ Hà Nội đến Bắc Kạn đã xong với 2 tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới. Chỉ còn duy nhất đoạn Bắc Kạn đến Cao Bằng đến nay chưa được đầu tư.

Vừa qua, Chủ tịch UBND hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ TP Bắc Kạn đến TP Cao Bằng trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hai địa phương này kiến nghị ược bố trí nguồn vốn ODA, ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác để đầu tư đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn đoạn tuyến từ Bắc Kạn đến Cao Bằng đến nay chưa được đầu tư nên hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa hoàn thiện, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, do đó đời sống nhân dân của hai tỉnh còn nhiều khó khăn. Khó khăn này đã kéo dài vài chục năm qua nhưng vẫn chưa thể giải quyết do Bắc Kạn và Cao Bằng là tỉnh nghèo, không có nguồn lực đầu tư.

Giai phap nao huy dong von cho cao toc Bac Kan - Cao Bang? - Hinh anh 2
 Muốn làm cao tốc, địa phương phải huy động được nguồn lực.

Địa phương phải huy động được nguồn lực

Dù địa phương rất nóng lòng có tuyến cao tốc này nhưng việc xây dựng cao tốc là khó khăn do qua khảo sát, đánh giá sơ bộ cần số vốn đầu tư lên tới gần 15.000 tỷ đồng. Chính bởi thế, UBND hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng trong tổng số 9.600 tỷ để làm cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng. Số còn lại 600 tỷ là chi phí giải phóng mặt bằng sẽ do 2 địa phương tự bố trí ngân sách.

Một tin vui đến liên quan đến cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng là trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Bắc Kạn về việc hoàn thiện đầu tư, phát huy hiệu quả toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định đã đưa tuyến cao tốc này vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đó, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được quy hoạch với chiều dài khoảng 90km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Bộ GTVT nhận định, đây là tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Quyết định phê duyệt quy hoạch cũng xác định, đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư sớm hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn huy động được nguồn lực đầu tư từ địa phương hoặc xã hội hóa thì cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng sẽ có khả năng làm trước năm 2030. Bởi điều kiện đầu tiên về “nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” hiện đã có sẵn.

Về phía Bộ GTVT, cơ quan này khẳng định sẽ phối hợp để triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện kết nối theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn.

Trong giai đoạn tuyến cao tốc chưa có điều kiện đầu tư, Bộ GTVT cho hay sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa QL3 kết nối hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và DN.

Giai phap nao huy dong von cho cao toc Bac Kan - Cao Bang? - Hinh anh 3
 Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Nhà đầu tư phải thay đổi phương án tài chính

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Xuân Ánh – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay tỉnh Cao Bằng đang triển khai cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Đây là dự án được triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP) trong đó tỉnh Cao Bằng là đối tác công. Chính bởi vậy, nguồn lực hiện tại của Cao Bằng là gần như không có vì đã dồn hết cho dự án này. “Chúng tôi biết ngân sách Nhà nước đang khó khăn nên mới triển khai theo hình thức PPP để giảm gánh nặng ngân sách. Nhờ đó dự án mới triển khai sớm được” – ông Hoàng Xuân Ánh nói.

Về cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng, ông Ánh cho hay, về phía tỉnh Cao Bằng cũng rất muốn dự án này sớm được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do Cao Bằng đã đề xuất cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh rồi nên 2 địa phương đã thống nhất sẽ để việc đề xuất cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng cho tỉnh Bắc Kạn làm cơ quan đầu mối và trong trường hợp dự án được triển khai thì Bắc Kạn cũng sẽ là cơ quan chủ trì. “Việc đề xuất và chủ trì dự án thuộc về tỉnh Bắc Kạn còn quan điểm của Cao Bằng là rất ủng hộ và mong muốn dự án sớm được triển khai” – ông Ánh nói.

Đánh giá về hướng đầu tư dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, nếu để đầu tư làm cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng bằng 100% vốn Nhà nước sẽ rất khó và gần như không thể triển khai được. Chỉ có hình thức PPP và huy động vốn từ DN tư nhân mới là phương án khả thi nhất vào lúc này.

“Tính khả thi của 1 dự án PPP có 2 yếu tố là phương án tài chính và hiệu quả đầu tư. Về phương án tài chính phải làm rõ phần vốn tư là bao nhiêu và phần vốn công là bao nhiêu. Còn về hiệu quả đầu tư, với một dự án đường cao tốc hiện nay, phải là triển vọng dự án chứ khôn thể tính theo lưu lượng xe như trước kia nữa” – ông Ánh phân tích.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, nếu tính theo lưu lượng phương tiện thì sẽ rất khó chứng minh được tính khả thi của dự án bởi lưu lượng phương tiện trên những tuyến cao tốc khu vực miền núi là không cao. Trong khi đó, nếu tính về triển vọng mà dự án đường cao tốc mang lại thì sẽ rất cao.

“Đặc biệt là nhà đầu tư phải có một phương án tài chính rất rõ mới có thể làm được. Hiện nay nguồn vốn vay tín dụng từ ngân hàng của các dự án đường giao thông là rất khó khăn. Nhà đầu tư phải chuyển hình thức tín dụng, có thể là phát hành trái phiếu DN hoặc tổ chức liên danh với nhiều DN khác để có thêm nguồn vốn cho dự án” – ông Hoàng Xuân Ánh nói.

Tin liên quan