Giao thông công cộng bứt phá

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tiếp tục ghi nhận dấu ấn của những thành công, năm 2018, hệ thống giao thông công cộng (GTCC) Hà Nội đã được đầu tư phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, từng bước đáp ứng mong mỏi của Nhân dân Thủ đô.

Giao thong cong cong but pha - Hinh anh 1
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trải nghiệm xe buýt nhiên liệu sạch CNG. Ảnh: Đặng Sơn

Phát triển toàn diện

Trong 20 năm qua, không chỉ mạng lưới xe buýt được mở rộng đến tất cả các địa phương trong TP, chất lượng xe buýt cũng luôn được nâng cao. Tính đến năm 2018, mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã có 115 tuyến, với sản lượng trên 430 triệu lượt hành khách/năm. So với năm 2008, số lượng tuyến tăng 64%. Mạng lưới đã bao phủ khắp 30 quận, huyện, tương ứng với 406/584 xã phường, mức độ bao phủ đạt 69,5% (tăng 28%); xóa vùng trắng xe buýt trợ giá trên toàn TP.

Cùng với đó là sự xuất hiện của GTCC khối lượng lớn - tuyến buýt BRT01: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã; 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG; hay các tiện ích gia tăng trên xe buýt như wifi miễn phí; ứng dụng tìm buýt trên thiệt bị di động thông minh… Việc đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân trong di chuyển đã giúp xe buýt Hà Nội ngày càng trở nên gần gũi và thu hút hơn. Hiện các tuyến buýt cũ đang dần được thay thế phương tiện theo chuẩn khí thải hiện đại như Euro 4, Euro 5… Tuyến mới mở đều hướng đến sử dụng phương tiện có mức khí thải tối thiểu, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường không khí của Thủ đô.

Mặt khác, cùng với việc quan tâm phát triển mạng lưới xe buýt, hệ thống GTCC khối lượng lớn bằng đường sắt đô thị (ĐSĐT) cũng từng bước được đầu tư hình thành theo quy hoạch. Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông, dự kiến đưa vào khai thác năm 2019; tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao năm 2020 và đoạn ngầm năm 2022. Cùng với đó, nhiều tuyến ĐSĐT khác đang được khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để thực hiện đầu tư trong thời gian tới như tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi; tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 4 đoạn, Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt; tuyến số 5 đoạn Văn Cao - đường Vành đai 4; tuyến số 8, Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá…

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện chia sẻ, vai trò quan trọng của GTCC đã được Chính quyền TP đánh giá, xác định rõ từ nhiều năm qua. Bởi nó không chỉ đảm bảo nhu cầu đi lại của Nhân dân, mà còn là một trong những động lực tối cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, và phát triển đô thị bền vững. Bên cạnh đó, các điều kiện về GTCC cũng là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá điều kiện sống của đô thị hiện đại. 

Khó khăn là động lực

Nhiều năm qua, Hà Nội đã phải đối diện với thực trạng mạng lưới GTCC còn hạn chế và chưa thể đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Chất lượng dịch vụ mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa hoàn toàn làm hài lòng người dân. Bên cạnh đó, việc tiếp cận dịch vụ GTCC còn khó khăn, thiếu hấp dẫn người dân, dẫn đến việc tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân vẫn còn phổ biến. Mặt khác, kinh phí để đầu tư hình thành 8 tuyến ĐSĐT với 10 nhánh, tổng chiều dài 417km, khoảng 40 tỷ USD là khá lớn.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế; nguồn vốn ODA cũng giảm và khó tiếp cận; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông khung, chưa được đầu tư hình thành đồng bộ dẫn đến khó khăn cho việc triển khai thực hiện đầu tư, phát triển hệ thống GTCC khối lượng lớn.

Theo Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành, để giải quyết, khắc phục tất cả những khó khăn, thách thức nêu trên, đòi hỏi TP Hà Nội phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn trong từng hành động, việc làm cụ thể. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển hệ thống GTCC đã được triển khai. Song song với nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối nội bộ cũng như liên vùng, nhiều quyết sách quan trọng của TP đã được đưa ra và thực hiện có hiệu quả. Trong đó có các giải pháp như kêu gọi xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho xe buýt, ĐSĐT; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành dịch vụ xe buýt; tổ chức giao thống, kết nối hoàn chỉnh, hiệu quả giữa các loại hình GTCC.

Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho hay, năm 2018, mạng lưới tuyến buýt của đơn vị nói riêng và cả TP nói chung đã được rà soát, quy hoạch lại một cách hiệu quả hơn. Các tuyến buýt mini xuất hiện, phù hợp với điều kiện đi lại giữa các khu đô thị; hàng chục tuyến buýt được điều chỉnh lộ trình theo hướng tối đa hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Thẻ vé điện tử liên thông sử dụng được cho cả xe buýt lẫn ĐSĐT xuất hiện, đặt nền tảng cho một hệ thống cung cấp dịch vụ GTCC thuận tiện, đơn giản, tối ưu cho người dân.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND TP, kiến nghị các cấp, ngành chức năng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT. Trong đó có: Khung tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam về ĐSĐT; hệ thống thẻ vé và Trung tâm quản trị thẻ vé; hệ thống giao thông thông minh ITS; Trung tâm quản lý điều hành GTCC (PTA); các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến hệ thống xe buýt nhanh (BRT) và hệ thống xe điện một ray (Monorail)... làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực GTVT được thực hiện một cách thuận lợi.

Ngoài ra, Hà Nội cũng có nhiều biện pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các tuyến ĐSĐT, nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các loại hình GTCC. Tập trung tối đa nguồn lực triển khai đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khung, làm cơ sở cho việc đầu tư hình thành hệ thống đến hệ thống xe buýt nhanh (BRT) và hệ thống xe điện một ray (Monorail) theo quy hoạch đã được duyệt. Nhờ vậy, hệ thống GTCC của Hà Nội đã có một năm 2018 đầy sôi động và thành tựu.

Lãnh đạo ngành giao thông Hà Nội cho rằng, để đạt được những thành tựu và kết quả nêu trên, Hà Nội đã phải rất nỗ lực để vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Và chính những khó khăn đó lại là động lực mạnh mẽ để Chính quyền và Nhân dân Thủ đô chung tay xây dựng nên một hệ thống GTCC đang ngày càng hoàn thiện, có năng lực mạnh mẽ, dần đáp ứng nhu cầu đi lại trên địa bàn TP.

Đặng Sơn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan