Giữ gìn, bảo tồn cầu Long Biên: Giá trị di sản đô thị Hà Nội tương lai

THUẦN HƯNG - LINH DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo các chuyên gia, việc khắc phục lỗi phát sinh, duy tu hàng ngày không đủ để giữ lại công trình có giá trị lịch sử, di sản và kiến trúc đặc biệt này mà cần phải bảo tồn và có một kế hoạch phục hồi tổng thể.

Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 1
Cầu Long Biên là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội. 

Cầu Long Biên là lịch sử, không có gì thay thế được

Cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng, được khánh thành cũng đánh dấu giai đoạn Hà Nội chuyển hoá từ một đô thị truyền thống sang đô thị hiện đại. Dân gian có câu vè về cầu Long Biên: “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”.

Cây cầu hơn trăm tuổi đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc. Cây cầu đã đi vào ký ức đẹp đẽ và hào hùng trong lòng người dân Hà Nội. Các nhà văn hóa, lịch sử, kiến trúc cho rằng, cầu Long Biên là di sản sống, là hồn cốt của Hà Nội, cần được đối xử trân trọng đầy tinh tế.

Bác Nguyễn Văn Hùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Đây là cây cầu có giá trị hơn tất cả các cây cầu nào sau này. Hà Nội nếu thiếu đi cầu Long Biên thì không còn là Hà Nội nữa, cầu Long Biên xuống cấp thì cần phải trùng tu, nhưng trùng tu theo hướng nào để vẫn giữ được giá trị chứ không bị biến dạng…".

Ngày 28/5 vừa qua, nhiều người phát hiện mặt cầu Long Biên xuất hiện lỗ thủng lớn. Không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường, lỗ thủng trên cầu lớn đến mức có thể lọt cả bánh xe máy và người đi bộ khiến nhiều người thấy xót xa khi biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử Thủ đô bị “trọng bệnh”.

Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 2
Cầu Long Biên được lắp camera để theo dõi trạng thái của cầu và phát hiện những vi phạm.

Ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho biết, dù Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm ô tô và xe 3 bánh, nhưng người dân vẫn cố tình đi lên, thậm chí kể cả các xe ô tô. Cầu Long Biên có tuổi thọ 121 năm, đã quá tuổi khai thác cho giao thông. Tuy nhiên, mặt đường hai bên cánh gà cầu Long Biên vẫn đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho xe máy qua lại mật độ cao. Mặc dù cấm ô tô, xe ba bánh (phương tiện có trọng tải lớn) đi qua nhưng nhiều xe ba bánh vẫn bỏ qua quy định này, chở hàng đi qua cầu.

“Để bảo vệ sự an toàn cho người dân khi lưu thông trên cầu, chúng tôi đã dựng các dải phân cách mềm bằng nhựa nhằm phân luồng, không cho các xe ô tô hay xe ba gác, xe tự chế đi lên cầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hàn các thanh thép chống, ngăn không cho xe máy đi lên phần đường dành cho người đi bộ. Hiện Công ty Hà Hải đang bố trí 3 người cho 1 ca trực, kiên quyết yêu cầu người dân chấp hành quy định. Lắp camera theo dõi trạng thái của cầu, phát hiện những vi phạm và trích xuất camera hàng ngày, hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng như CSGT Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội”, ông Nguyễn Quốc Vượng cho hay.

Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 3
 Hàng ngày cây cầu có hàng nghìn lượt phương tiện di chuyển qua lại.

Cần ý tưởng linh hoạt bền vững

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo và gìn giữ cầu Long Biên, mới đây, tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” đã được thành lập theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Toàn bộ hoạt động của tổ chuyên gia được Chính phủ Pháp tài trợ. Theo quyết định được phê duyệt, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải nhận trách nhiệm là tổ trưởng. Tham gia tổ công tác có đại diện các sở, ngành liên quan, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội...

Sau khi đi vào hoạt động, tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” làm cơ sở để Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.

KTS chuyên gia kiến trúc đô thị Phạm Thanh Tùng nhìn nhận, cải tạo cầu Long Biên có thể là phương án có thể là tháo dời, sau đó nâng cao độ nhưng phải đáp ứng tiêu chí khoa học công nghệ cho phép. Hoặc có thể trả lại nguyên trạng ban đầu từ nhịp cầu Long Biên (hình con rồng), biến cầu trở thành cầu đường sắt đô thị nhưng giữ lại đoạn ga 2 bên cầu để làm du lịch và phát triển 2 bên chỉ dành cho xe đạp, xe máy, đi bộ.

“Hãy để cây cầu trở thành cây cầu đi bộ, thành không gian bảo tồn cảnh quan gắn với quy hoạch hai bên sông Hồng mà TP Hà Nội đã phê duyệt. Hay biến cầu Long Biên thành điểm đến du lịch, đặc biệt, thành cây cầu sáng tạo cho các nghệ nhân, kiến trúc sư, nghệ sĩ và là nơi hưởng thụ văn hóa của người dân, để cây cầu tham gia vào hành trình sáng tạo công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số”, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết.


Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu phải bỏ ra một lượng kinh phí rất lớn để phục hồi cây cầu với công năng như cách đây hơn trăm năm, ngoài giao thông đường sắt chỉ để phục vụ cho xe đạp, xe máy, đi bộ " gánh gồng ngược xuôi" thì hiệu quả về kinh tế - xã hội rất thấp, không tương xứng với số kinh phí, dù là từ nguồn nào phải bỏ ra. Hơn nữa, tĩnh không của cây cầu Long Biên hiện nay thấp nhất trên dòng sông Hồng. Tất cả các cây cầu xây sau này đều có tĩnh không cao, thuận tiện cho tàu lớn qua lại. Riêng cây cầu Long Biên vào mùa nước lớn là giao thông thủy bị tắc.

Ở một góc độ khác, GS.TSKH.KTS Hoàng Đạo Kính đưa ra ý tưởng, không gian ở giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4m, hầu hết nên dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian hàng trưng bày, các shop đồ hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy hàng giải khát… có kính gắn bên và mái che ở trên ít ảnh hưởng đến hình dáng của cây cầu. Với giải pháp này ta có thể tạo nên một dạng “chợ - cầu” có một không hai.

Mặt khác, đề nghị xây dựng một quy hoạch “Bảo tàng cầu Long Biên” có cơ sở khoa học, chọn lọc những cái tiêu biểu xứng đáng, trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn có hệ thống cho hậu thế mai sau.

Ngoài việc bảo tồn di sản, việc đảm bảo giao thông đi lại cho người dân giữa hai đầu cầu cũng rất quan trọng. Do vậy, việc bảo tồn di tích cầu Long Biên không nên quá máy móc, bảo tồn ngay một lúc, thay vào đó tùy thuộc vào mục đích sử dụng có thể tạo ra sự linh hoạt, vừa giữ gìn quá khứ, vừa đảm bảo lợi ích cho cuộc sống hiện tại.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cho dù phương án nào cũng phải bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản cầu Long Biên, với cảnh quan bầu trời, sông nước, bãi bồi và không gian công cộng. Giá trị di sản đô thị được nhìn nhận trong quan hệ với các thành phần khác để tạo ra một tổng thể, luôn luôn thích nghi, vì vậy phải can thiệp để nó bền vững với thời gian.

Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 4
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chia sẻ, cầu Long Biên hiện nay đang là mối quan tâm lớn của không chỉ riêng ông mà của toàn xã hội, trước những nguy cơ mất ATGT sau nhiều sự cố xảy ra gần đây, đặt ra câu hỏi cần làm gì để bảo tồn cầu lâu dài. 
Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 5
“Trên toàn thế giới hiện nay cũng chỉ còn có 24 cây cầu được xem là di sản thế giới cần phải lưu giữ, trong đó có cầu Long Biên. Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Pháp đã có ký kết thỏa thuận cấp nhà nước về yêu cầu duy tu bảo tồn di sản cầu Long Biên, chúng ta phải tôn trọng những cam kết đã thỏa thuận”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm. 
Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 6
KTS TRẦN HUY ÁNH, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội:“Để bảo tồn cầu Long Biên nguyên dạng có rất nhiều vấn đề cần tiếp cận, không chỉ là sắt thép, hình dáng mà còn là nền móng, kết cấu. Quan trọng hơn tất cả là tính thích dụng vì nó vừa là nhân chứng của bảo tồn đô thị nhưng chính nó lại tham gia các hoạt động của đô thị hàng ngày thì nó mới thật sự được bảo tồn”. 
Giu gin, bao ton cau Long Bien: Gia tri di san do thi Ha Noi tuong lai - Hinh anh 7
Ngày 5/6/2022 vừa qua, Hà Nội chính thức tiếp nhận làm chủ đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi thay cho Bộ GTVT, với khái toán hơn 81.000 tỷ đồng. Trong khi vai trò đường sắt quốc gia của cầu Long Biên không còn lớn, việc Chính phủ giao cho Hà Nội phát triển tuyến giao thông đường sắt đô thị, trong đó cầu Long Biên như một mắt xích quan trọng là định hướng sáng suốt, vấn đề ở chỗ chúng ta cần đẩy nhanh quá trình này để “hồi sinh” cây cầu Long Biên danh tiếng.  

 

Tin liên quan