|
Hà Nội giám sát việc thực hiện dự án đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách. |
Chuyên đề này được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, làm định hướng trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án đầu tư của thành phố…
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyên đề gồm 7 nhóm nội dung sau:
Một là, nâng cao chất lượng công tác giám sát, đánh giá đầu tư; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư. Khẩn trương nghiên cứu, ban hành các quy định của thành phố trong việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư. Căn cứ quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư, rà soát xây dựng phân công việc tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư thuộc trách nhiệm của UBND các cấp.
Hai là, tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Theo dõi thường xuyên các dự án đầu tư đang triển khai, kịp thời phát hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc. Đối với các dự án đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm được triển khai theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với các dự án đầu tư vốn ngoài nhà nước, theo dõi kiểm tra chặt chẽ từ khi quyết định chủ trương đầu tư đến khi giao đất và tổ chức thực hiện đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Nhất là các dự án có sử dụng đất, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật tiến hành kiểm tra, thanh tra. xử lý đúng quy định của pháp luật.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định.
Bốn là, tăng cường giám sát, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra giám sát theo địa bàn đối với các dự án đầu tư. Các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức kiểm tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư. UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với địa bàn nơi thực hiện dự án có trách nhiệm tổ chức kiểm tra các nội dung theo thẩm quyền.
Năm là, nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động của các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư. Quy định rõ ràng trách nhiệm vật chất của những người đứng đầu cơ quan chính quyền nhà nước mỗi cấp trước kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Tăng cường xử lý vi phạm trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư, nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc công tác giám sát và đánh giá đầu tư.
Sáu là, phát huy vai trò của giám sát cộng đồng trong hoạt động đầu tư góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, qua đó bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, phòng, chống tham nhũng, lãng phí để nâng cao chất lượng công trình.
Bảy là, tăng cường nguồn nhân lực thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong các cơ quan của thành phố để đáp ứng yêu cầu của pháp luật và nhiệm vụ của thành phố cả về số lượng và yêu cầu chuyên môn. Bố trí tài chính theo quy định để thực hiện công tác giám sát đầu tư.
UBND thành phố giao các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy và chuyên đề này, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý. Các chuyên ngành khác, các sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra chuyên ngành liên quan. UBND cấp huyện xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư thuộc cấp huyện quản lý.