|
Một góc giao thông Hà Nội. |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP giai đoạn 2015 – 2020, nhiều mục tiêu đạt được đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, cần tiếp tục thực hiện. Ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, ATGT của người dân đã từng bước được cải thiện.
Trong khoảng thời gian này, nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của TP được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu vực, năng lực giao thông được nâng cao để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân. Theo tính toán, giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân khoảng 0,3%, từ 8,65% lên thành 10,07% tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông với diện tích xây dựng đô thị.
Đối với mạng lưới vận tải công cộng, các mạng lưới đã được phủ diện rộng toàn TP, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trong năm 2019 đáp ứng là 17,03% nhu cầu đi lại của người dân. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ này giảm xuống 14,85%.
Từ năm 2016 đến nay, TP đã xử lý được 67 điểm UTGT; TNGT trên địa bàn Thủ đô cũng giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người tử vong, người bị thương so với các năm trước. Bình quân mỗi năm, TNGT giảm 135 vụ (giảm 9,5%), số người tử vong giảm 32 người (giảm 5,9%), số người bị thương giảm 153 người (giảm 14%). Tuy vậy, UBND TP đánh giá thông số này vẫn ở mức cao và cần tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới đây.
Bên cạnh đó, sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, dân số gia tăng và tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân, UBND TP xác định cần thiết phải tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm ATGT giai đoạn 2021 – 2025, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Trong đó, khu vực đô thị trung tâm (từ vành đai 4 trở vào), các KĐT, trục đường hướng tâm, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, khu vực nhà ga, bến xe sẽ được tập trung giải quyết trước hết. Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể là giảm từ 7 – 10 điểm ùn tắc mỗi năm. Không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ các điểm đen về TNGT, qua đó góp phần giảm ở cả 3 tiêu chí từ 5 – 10% hàng năm.
Tổng kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông được dự kiến là hơn 1.802 tỷ đồng. Nội dung này bao gồm các hạng mục như: Thực hiện chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông; cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao, mở mới 50 tuyến buýt trong giai đoạn 2021 – 2025.
Đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 nhưng sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Hà Nội tiếp tục triển khai 4 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 bao gồm 2 cầu vượt qua đường Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh thuộc dự án vành đai 1 Hoàng Cầu – Voi Phục; tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng; và một số đoạn trên đường vành đai 3,5 đoạn qua huyện Hoài Đức.
Đề xuất bổ sung mới đường vành đai 3,5 qua địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì, Mê Linh; toàn tuyến đường vành đai 4 bao gồm 2 công trình cầu (Hồng Hà và Mễ Sở). Bên cạnh đó, sẽ có 5 dự án cầu vượt sông sẽ được đề xuất mới để chờ phê duyệt.
Đáng chú ý, trong giai đoạn tiếp theo, các tuyến đường sắt đô thị sẽ đặc biệt được chú ý triển khai gồm: Nhổn – ga Hà Nội sẽ được đưa vào vận hành khai thác. Các dự án mới như tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; tuyến số 3 ga Hà Nội – Hoàng Mai; tuyến số 8 Mai Dịch – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá; tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc sẽ được thực hiện các bước như: phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hoàn thành chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh và khởi công dự án.. đối với từng tuyến cụ thể.
Đồng thời, TP sẽ triển khai thực hiện thêm nhiều giải pháp để giảm UTGT như các công trình hỗ trợ di chuyển tại các điểm đen, nút giao thông dễ ùn tắc. Tổ chức kêu gọi đầu tư, thực hiện 6 dự án bãi đỗ xe có diện tích từ 10 – 15ha tại các quận, huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thường tín và Hà Đông.