Hà Nội ưu tiên giao thông liên vùng mở ra cơ hội cho các huyện ngoại thành

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong tổng số ngân sách trung hạn của Hà Nội ở giai đoạn 2021 - 2025, cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông là hơn 83.337 tỷ đồng cho thấy TP đang đặt kỳ vọng rất lớn về giao thương, kết nối. Đặc biệt, những tuyến đường hướng tâm, liên vùng được chú trọng để làm tiền đề hình thành các cực tăng trưởng mới.

Giảm ùn vốn ngân sách

Trong thời gian qua, công tác GPMB, tái định cư còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, xác định nguồn gốc đất, tái định cư, quy trình GPMB phức tạp, người dân không đồng thuận, khiếu kiện, làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án… dẫn đến tình trạng không đảm bảo tiến độ so với kế hoạch diễn ra ở nhiều dự án giao thông, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Dù TP đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả chậm, nhất là 6 tháng đầu năm. Đặc biệt nhức nhối ở dự án đầu tư trọng điểm, có số vốn kế hoạch lớn (27 dự án, chiếm khoảng 40% kế hoạch tổng phân bổ cho dự án cấp TP).

Do nhiều dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau. Đồng thời, một số dự án vướng mắc phải điều chỉnh kế hoạch vốn, hoặc không thực hiện hết số vốn dẫn đến kế hoạch phải hủy bỏ, chuyển kết dư ngân sách. Từ thực trạng trên, trong giai đoạn 2016-2020, TP phải mở mới nhiều dự án để hấp thụ vốn điều chỉnh của các dự án có vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

Ha Noi uu tien giao thong lien vung mo ra co hoi cho cac huyen ngoai thanh - Hinh anh 1
 Dự án nâng cấp đường Vũ Trọng Phụng dang dở lâu ngày giữa Thủ đô gây nhức nhối dư luận.

Theo thống kê, có đến 93 dự án phải chuyển tiếp sang giai đoạn mới, trọng điểm cần kể đến như: Dự án xây dựng tuyến metro thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; Dự án tuyến metro (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch; mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long.

Để giải quyết tình trạng này đồng thời biến thách thức thành cơ hội, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP đã đi đến quyết định tạm dừng thực hiện một số dự án giao thông nội đô có kinh phí GPMB lớn, khó thực hiện. Chuyển trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông hướng tâm, liên vùng nhằm giải tỏa áp lực về hạ tầng cho khu vực nội đô đồng thời hình thành một số cực tăng trưởng mới.

Giải pháp quyết liệt

Trong các dự án giao thông giữ vai trò kết nối những huyện ngoại thành với trung tâm TP, cần phải kể đến một số cái tên trọng điểm các trục hướng tâm, liên kết vùng như: QL 6, nâng cấp QL 32, QL 1A cũ, QL 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Các cầu lớn qua sông: cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo.

Trong đó, Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tiến độ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được đảm bảo đúng tiến độ. Hiện đơn vị đã giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2021. Dự án cầu Trần Hưng Đạo trước đó gặp khó khăn trong chủ trương đầu tư, nay đang được TP nghiên cứu, giải quyết.

Ha Noi uu tien giao thong lien vung mo ra co hoi cho cac huyen ngoai thanh - Hinh anh 2
 Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo vừa được công bố.

Đối với những tuyến giao thông liên vùng còn tồn tại vướng mắc trong nâng cấp, mở rộng, không ít ý kiến cho rằng với phương án, mục tiêu rõ ràng trong kế hoạch 5 năm của TP Hà Nội, hiệu quả triển khai là hoàn toàn có thể mong đợi. Đây là một trong những giải pháp mang tính quyết liệt của Hà Nội, tạo ra cơ hội lớn về phát triển cho một số huyện ngoại thành vẫn đang thiếu thốn các dự án giao thông lớn.

Nhận định thêm về chức năng kết nối, phát triển của các tuyến đường nối trung tâm TP với ngoại ô, Chuyên gia giao thông đô thị Đặng Minh Sơn cho biết, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo kết nối thuận lợi giữa khu vực trung tâm với ngoại thành, các đô thị vệ tinh. Hạ tầng kết nối liên vùng đảm bảo giữa các địa phương tạo điều kiện phát triển cho các khu, cụm công nghiệm, đô thị vệ tinh và đặc biệt góp phần thúc đẩy nhanh đối với nhiệm vụ phát triển của các huyện dự kiến thành lập quận như (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) và phát triển khu vực tiếp giáp.

Theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, hạ tầng giao thông luôn có ảnh hưởng lớn sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển đô thị. Với riêng Hà Nội, áp lực tập trung dân số tại các quận nội thành có phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát vì sự thiếu thuận tiện khi di chuyển từ ngoại ô chỉ với 1 hay 2 tuyến đường. Do đó, kế hoạch phát triển giao thông trong 5 năm tới của UBND TP Hà Nội có tác dụng phân bổ lại mật độ dân cư, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các vùng ngoại thành, chuẩn bị hạ tầng để đưa các cơ sở công nghiệp, cơ quan, công sở ra ngoại thành theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Tin liên quan