|
Một đoạn quốc lộ 31 xuống cấp nghiêm trọng. |
Dự án do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, có chiều dài 39,1km (điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 1, thành phố Bắc Giang; điểm cuối tại nút giao với đường tỉnh 290, huyện Lục Ngạn), được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80km/h (đoạn qua khu đông dân cư và đô thị, tốc độ thiết kế 60 km/h). Nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 7m, gia cố lề mỗi bên 2m.
Kết cấu mặt đường bằng bêtông nhựa trên lớp cấp phối đá dăm hoặc bê tông nhựa tăng cường trực tiếp trên mặt đường cũ. Các công trình trên tuyến gồm: cầu, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông...
Tổng mức đầu tư của dự án này là 863,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó, chi phí xây dựng 613,2 tỷ đồng. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thực hiện công tác quản lý.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý dự án 3 thực hiện và tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án và một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư theo phân cấp ủy quyền; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang nhằm tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước; chủ động phối hợp với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư theo đúng chính sách, pháp luật hiện hành...
Quốc lộ 31 là tuyến quốc lộ liên tỉnh, nối Lạng Sơn với Bắc Giang. Tuy nhiên, tuyến đường hiện tại có quy mô kỹ thuật thấp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là mùa thu hoạch vải thiều, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do lưu lượng xe tải lớn hoạt động với tần suất cao.
Khi đưa vào khai thác, dự án sẽ giúp thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, các nhà máy, khu trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và khai thác lâm thổ sản, cây ăn quả, đặc biệt là vùng vải Lục Ngạn và Lục Nam; góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế và phân bố lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa, nhất là ở các huyện miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa.