Kết nối các tuyến đường vành đai: Khơi thông nguồn lực cho phát triển

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Các tuyến đường vành đai có vai trò quan trọng trong việc tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, cần có cơ chế khai thông được nguồn lực này thì mới có thể phát huy được hiệu quả cao nhất.

Đây cũng là nội dung chính trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá” được tổ chức ngày 4/5. Buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế và giao thông.

Đòn bẩy cho nền kinh tế

Một trong những nội dung được các đại biểu tham gia tọa đàm quan tâm đặc biệt và dành nhiều thời gian thảo luận chính là vai trò của Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đầu tiên, có thể khẳng định, đây là hai công trình có ý nghĩa rất quan trọng bởi vừa là công trình cơ sở hạ tầng, vừa là cao tốc đô thị. Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô sau khi hoàn thành sẽ kết nối 2 trung tâm kinh tế, 2 vùng động lực kinh tế lớn nhất của cả nước.

Đánh giá về tầm quan trọng của Vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm đi vào xuyên tâm, đồng thời khu vực Vành đai 4 là trung tâm để kết nối phía Bắc. Vì vậy, không chỉ có Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới.

Việc thiết lập vành đai cuối cùng này rõ ràng là mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng.

Đối với Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam Thủ đô. Đồng thời, phía Nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là Cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết nối với Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội. Việc mở rộng Vành đai 4 cho phép TP Hà Nội điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, sự có mặt của đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ mang lại sự "bùng nổ" khá mạnh mẽ ở hai trung tâm tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam.

Hai công trình này sẽ giúp hành lang công nghiệp của 2 địa phương phát triển, các khu công nghiệp sẽ được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Công nghiệp theo tinh thần mới là khu công nghiệp đẳng cấp cao.

Bên cạnh đó, vận tải và các tuyến logistic sẽ kết nối mạnh mẽ hơn, sôi động hơn. Mục đích là hình thành các đô thị và chuỗi đô thị đẳng cấp cao, hình thành nên không gian kết nối tốt, bảo đảm cuộc sống, theo đúng tiêu chuẩn bền vững.

Ngoài ra, trong tầm nhìn xa hơn nữa là nối các hành lang này với các sân bay thì có thể hình dung sự kết nối bầu trời với thế giới. Qua đó tận dụng cơ hội phục hồi để tạo ra đột phá, phát triển. “Từ sự ách tắc lâu nay chúng ta phải chịu, khi khai thông, "bùng nổ" sẽ hiện ra” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Ket noi cac tuyen duong vanh dai: Khoi thong nguon luc cho phat trien - Hinh anh 1
Các tuyến đường vành đai sẽ tạo ra lực đẩy lớn cho sự phát triển của nền kinh tế.
Ảnh: Hồng Quý 

Nguồn lực tiềm ẩn, cách nào khai thông sớm?

Động lực mà dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đi 4 vùng Thủ đô tạo ra đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội 2 địa phương nói riêng và đối với nền kinh tế đất nước nói chung là rất rõ ràng.

Tuy nhiên, làm thế nào để sớm khai thông được nguồn lực này mới là điều quan trọng nhất. Đầu tư xây dựng 2 dự án lớn này trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay là cả một bài toán khó. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là điểm mấu chốt. Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Dương Bá Đức nhận định, GPMB là nút thắt cho tất cả các dự án. Đây là sức ép cho các địa phương.


“Khi sử dụng số vốn chưa được thực hiện thì chuyển cho chỗ khác, tránh tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn, giải phóng nguồn vốn, đó là linh hoạt. Việc này rất cần thiết, nếu đạt được tính chủ động trong GPMB thì hiệu quả của dự án sẽ rất cao” - ông Dương Bá Đức nêu ý kiến.

Một số chuyên gia cho rằng, kiến nghị về việc cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, trong đó ưu tiên hoàn thành công tác GPMB trong giai đoạn 2021 - 2025 mà các địa phương đưa ra là một ý tưởng hay.

Bởi, điểm dễ vướng mắc nhất trong công tác GPMB chính là nguyên tắc giá cả. Chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị ảnh hưởng. Lúc đó cần có phương án xử lý linh hoạt hơn bởi có thể những trường hợp đòi hỏi có lý của họ, hoặc là có những yêu cầu riêng mà chúng ta phải có. Những cái khác thì giao cho địa phương quyền tiếp cận để chọn phương án xử lý linh hoạt vấn đề này tốt nhất.

Một vấn đề quan trọng nữa chính là vốn đầu tư của hai dự án. Thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật để khởi công dự án 3 năm và thời gian thi công hoàn thành kéo dài 2 - 5 năm, phần lớn các dự án cao tốc khó có thể giải ngân toàn bộ nguồn vốn đầu tư trong một kỳ trung hạn.

Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư là 35.370 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020 - 2025 là 81% tức 61.000 tỷ đồng.

Hiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, cơ chế điều phối chuẩn bị kỹ, chuẩn bị các nguồn vật liệu chất lượng, đủ trữ lượng, tổ chức kiểm tra giám sát từng mỏ, tổ chức thí nghiệm vật liệu trên công trường có tham vấn của chuyên gia, cũng như Bộ GTVT.

Tiến độ các địa phương đã báo cáo cơ bản kết thúc năm 2025, năm 2026 hoàn thành toàn bộ, 2027 quyết toán. Như vậy, vốn trải qua 2 giai đoạn 2020 - 2025 là 81%, giai đoạn tiếp theo là 19%, đáp ứng dùng vốn hiệu quả, đúng như tiến độ đã cam kết.

Đối với đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, dự án sẽ phối hợp đầu tư công và đầu tư đối tác công tư PPP. Đây là mô hình linh hoạt, có khả năng tương hỗ giữa ngân sách T.Ư và xã hội hóa.

“Vành đai 4 Vùng Thủ đô tạo lập khả năng thu hồi vốn khả thi. Theo tính toán của các bộ ngành, các tổ công tác của Chính phủ, dự án thu hồi trong 21 năm, khả thi thu phí công nghệ mới, không dừng, thu phí kín… Chúng ta đang trong quá trình hoàn chỉnh nhưng đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Quan điểm của Hà Nội là thông qua việc xác định nhà đầu tư PPP (trong hợp tác công tư) tranh thủ tìm nhà đầu tư mang tính chiến lược, để TP phát triển các khu vực đô thị nông thôn” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định.

"Dự án Vành đai 4 mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội. Sau 14 năm hợp nhất hành chính Thủ đô, việc mở rộng Vành đai 4 cho phép TP điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn." - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn

"Quyết định làm 2 đường vành đai xuất phát từ quan điểm thực tiễn cấp bách, không chỉ là quan điểm hiện nay mà còn là quan điểm hướng tới tương lai; không chỉ quan điểm thực tiễn mà còn có căn cứ lý thuyết. Trong khi đưa vào điều kiện Việt Nam, hai trung tâm kinh tế lớn của chúng ta suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãn tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông, thể hiện rõ nhất ở đường tuyến đường vành đai." - Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên


NGUYỄN QUÝ/KTĐT

Tin liên quan