Khi nào hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đường Hồ Chí Minh được coi là công trình giao thông trọng điểm được ví như trục xương sống của đất nước. Việc sớm hoàn thành dự án này, vì thế có ý nghĩa rất quan trọng.

Khi nao hoan thanh du an duong Ho Chi Minh? - Hinh anh 1
 Dự án đường Hồ Chí Minh được ví như xương sống chạy dọc chiều dài đất nước.

Dự án có ý nghĩa to lớn về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng

Theo Nghị quyết số 66/2013 của Quốc hội đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Tính đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này đã hoàn thành 2.362 km đạt hơn 86% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Đang triển khai 211 km, còn lại khoảng 171 km chưa thực hiện. Phần còn lại của dự án chưa hoàn thành gồm 3 đoạn là đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (thuộc dự án thành phần Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn); đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng-Chợ Bến) và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất - Gò Quao-Vĩnh Thuận.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 99.170 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư là 88.400 tỷ đồng. Đến năm 2020, đã bố trí 62.316 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 43.728 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 18.588 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí 16.706 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (4.677 tỷ đồng cho dự án chuyển tiếp, 4.686 tỷ đồng khởi công mới 02 dự án thành phần, 7.343 tỷ đồng thanh toán dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT).

Còn lại 3 đoạn với tổng chiều dài 171km, tổng mức đầu tư là 10.770 tỷ đồng chưa được bố trí nguồn vốn; trong đó 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận cần ưu tiên đầu tư để nối thông tuyến có tổng mức đầu tư 5.570 tỷ đồng. Hiện dự án đang thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau, trong đó, vốn xã hội hóa đạt 10%. Các dự án đã hoàn thành cơ bản quyết toán xong, công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Dự án đường Hồ Chí Minh được đánh giá là công trình giao thông quốc gia rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng. Ngoài ra, đây cũng là tuyến đường có ý nghĩa lịch sử to lớn. Chính bởi thể, Quốc hội khóa XI, khóa XIII đã ban hành hai nghị quyết về chủ trương đầu tư cho con đường quan trọng này. Tuy nhiên, hiện nay công tác triển khai dự án còn chậm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, giai đoạn từ năm 2000 đến 2011, dự án đường Hồ Chí Minh triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ, trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư.

Khi nao hoan thanh du an duong Ho Chi Minh? - Hinh anh 2
Tuyến đường cũng có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. 

Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Hồ Chí Minh nhằm sớm hoàn thành dự án quan trọng này, mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Trong văn bản trên, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kiểm toán, quyết toán đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án thành phần và hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông được giao nhiệm vụ lập, thẩm định, tham mưu phê duyệt và triển khai thực hiện hoàn thành các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện tốt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thành phần, hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm tham mưu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến trong năm 2022 - 2023. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch - Đầu tư còn có trách nhiệm rà soát, tham mưu từng bước đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ GTVT yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông  phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN làm tốt công tác này, triển khai các giải pháp bền vững hóa công trình, bảo đảm yêu cầu thoát lũ, bảo vệ các hệ sinh thái và cảnh quan môi trường.

Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cũng có trách nhiệm tham mưu văn bản đề nghị các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông và thu hút các nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các trạm dừng nghỉ, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được phê duyệt

Bộ GTVT đặc biệt yêu cầu các đơn vị liên quan gồm Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao kiểm điểm tình hình thực hiện, rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh thời gian qua.

Chính phủ đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai. Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.


Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h