Khơi thông sông Cổ Cò tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng, Quảng Nam

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Khơi thông sông Cổ Cò là dự án trọng điểm của Đà Nẵng và Quảng Nam, có ý nghĩa lịch sử, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch cho 2 địa phương.

Dự án trọng điểm của 2 địa phương
Sáng 18/2, phát biểu tại lễ ra quân đầu năm tiểu dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (thuộc dự án khơi thông sông Cổ Cò), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Đây là dự án, công trình trọng điểm của Đà Nẵng và Quảng Nam, có ý nghĩa lịch sử, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch cho 2 địa phương.
Theo ông Lê Trung Chinh, dự án khơi thông sông Cổ Cò xúc tiến nhiều năm qua nhưng có một số hạng mục bị chậm so với tiến độ. “Đây là dự án động lực của Đà Nẵng, khi hoàn thành sẽ là công trình tuyệt đẹp, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch nên đề nghị ban quản lý, nhà thầu nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để nhanh chóng đưa công trình về đích”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ.
Về phía TP Đà Nẵng, Chủ tịch Lê Trung Chinh cho hay sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị hoàn thành công trình với 3 mục tiêu là chất lượng, tiến độ và an toàn lao động.
Theo ông Võ Tiến Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng (chủ đầu tư), dự án là một phần thuộc dự án nạo vét sông Cổ Cò nối liền 2 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Công trình đầu tư xây dựng tuyến kè dọc bờ sông với chiều dài 3.652m (từ vị trí chùa Hương Sơn đến gần giáp cầu Bãi Dài), đầu tư nâng cấp cầu Biện đạt yêu cầu khổ thông thuyền sông cấp IV, đầu tư bến đón trả khách và neo đậu tàu thuyền phục vụ tàu du lịch tại vị trí trước chùa Quán Thế Âm.
Tổng mức đầu tư của tiểu dự án hơn 486 tỷ đồng, do liên danh Công ty Dacinco - Xuân Quang - Cienco 5 - Trung Nam thực hiện trong thời gian 540 ngày, kể từ 17/12/2020. Hiện dự án đã hoàn thành công tác giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Liên danh các nhà thầu thi công đang dọn dẹp mặt bằng, công tác chuẩn bị để triển khai thi công.
“Dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19, nhưng với ý nghĩa quan trọng của công trình trong việc tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển du lịch của TP và kết nối du lịch Đà Nẵng - Quảng Nam, lãnh đạo Ban Quản lý dự án và liên danh các nhà thầu sẽ nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đảm bảo an toàn chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật”, ông Võ Tiến Dũng nói.
Cổ Cò sẽ trở thành một trong những dòng sông đẹp nhất Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò” hồi tháng 1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Tuy chiều dài chỉ khoảng 28km, lòng sông nhỏ nhưng sông Cổ Cò mang trong mình nhiều ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử. Tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng từ lâu đã đặt vấn đề khơi thông dòng sông Cổ Cò, tuy nhiên mọi việc chỉ thật sự được tiến hành từ năm 2019. 
Ông Lê Trí Thanh nhận định, việc hoàn thành nạo vét sẽ tạo bộ mặt mới cho bức tranh đô thị từ Đà Nẵng về Hội An, tăng cường khả năng thoát lũ, làm đẹp cảnh quan hai bên lòng sông. Quan trọng nhất, việc hoàn thành nạo vét sẽ “hiện thực hóa giấc mơ biến sông Cổ Cò thành một trong những dòng sông đẹp nhất của Việt Nam”.
Cổ Cò có tên cổ là Lộ Cảnh giang, chạy song song bờ biển, nối sông Hàn (Đà Nẵng) với sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam. Trong tổng chiều dài 25km (qua địa phận Quảng Nam hơn 19km), con sông vốn kết nối giao thương giữa 2 cảng thị lớn là Hội An và Đà Nẵng trong nhiều thế kỷ từ XVI - VVIII. Tuy nhiên, dòng Cổ Cò đã bị tự nhiên bồi lấp từ thời Đồng Khánh, khoảng thế kỷ XVIII.
Khơi thông sông Cổ Cò để phát triển kinh tế, xã hội, tạo cảnh quan môi trường là dự kiến đã từ đặt ra từ năm 1994 - khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách tỉnh. Sau đó được nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Để hồi sinh Lộ Cảnh giang, từ năm 2012, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng lên kế hoạch khơi thông con sông này. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay việc khơi thông dòng sông vẫn chưa được hoàn thành.
Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đã phát lệnh nạo vét sông Cổ Cò với chiều dài hơn 14km từ TP Hội An đến phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn.
Theo đó, nạo vét luồng sông Cổ Cò bảo đảm kỹ thuật sông cấp 4 (bề rộng đáy luồng 40m, bề mặt luồng 60 - 90m, độ sâu mực nước hơn 2,3m)… với tổng nguồn vốn đầu tư 850 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 273,84 tỷ đồng). Trong khi đó tại TP Đà Nẵng, việc khơi thông sông Cổ Cò đã cơ bản hoàn thành.

Quang Hải

Tin liên quan