(Ảnh: Đình Quang).
|
Việc ký hợp đồng dụ án này được kỳ vọng sẽ là “chuẩn mực” cho các dự án thành phần tiếp theo của cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian tới. Đặc biệt sẽ khắc phục được những hạn chế của các dự án BOT giao thông trước đây.
Vốn từ ngân hàng vẫn giữ vai trò tối quan trọng
Lễ ký kết Hợp đồng xây dựng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Nhà đầu tư dự án), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Doanh nghiệp dự án) vừa diễn ra vào hôm nay (6/5).
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định, để dự án triển khai thành công, ngoài phần vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cần sự tham gia hỗ trợ của các ngân hàng trong việc cho vay vốn tín dụng. Ông Lê Đình Thọ lưu ý nhà đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế huy động nguồn lực khác, trong đó có việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp dự án phải tập trung triển khai hoàn thiện các thủ tục sau khi hợp đồng được ký kết nhằm đảm bảo cho dự án được triển khai nhanh nhất, hiệu quả cao nhất nhưng cũng phải đặt chất lượng công trình lên ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình triền khai dự án.
Về phía Bộ GTVT, ông Lê Đình Thọ khẳng định cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan để tháo gỡ các khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong quá trình triển khai dự án.
(Ảnh:Phước Tuấn).
|
Khắc phục được hạn chế của các dự án BOT trước đây?
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật PPP và các Nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng dự án.
Dự án thuộc phạm vi tỉnh Khánh Hòa, có điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Tổng chiều dài khoảng 50km. Để phù hợp với nhu cầu vận tải và nguồn lực, dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (Bề rộng nền đường = 17m) với vận tốc thiết kế 80km/h; ngoài ra trên tuyến còn đầu tư 1 hầm đường bộ qua núi Dốc Sạn có chiều dài khoảng 700m và một số công trình cầu lớn.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.524 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức ký kết hợp đồng với nhà đầu tư của hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam còn lại triển khai theo hình thức PPP là cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và và cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT Lê Kim Thành khẳng định, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khi triển khai sẽ khắc phục các tồn tại của các dự án BOT trước đây như đảm bảo lựa chọn cho người sử dụng, mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định ngay từ ban đầu sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017 và Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018.
Bên cạnh 8 dự án đầu tư công đang triển khai xây dựng, việc ký kết hợp đồng, đầu tư xây dựng dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và tới đây là 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông thông suốt, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung Bộ; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
|