Kỳ vọng gì vào Tổ Công tác điều tra về việc cạnh tranh vé máy bay nội địa?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tổ công tác điều tra về việc cạnh tranh vé máy bay nội địa vừa được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kí quyết định thành lập. Đây sẽ là "bài test" chuẩn cho đề xuất bỏ trần vé máy bay vốn vẫn còn nhiều quan ngại.

Ky vong gi vao To Cong tac dieu tra ve viec canh tranh ve may bay noi dia? - Hinh anh 1
 Tổ Công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá vé máy bay chính thức được thành lập.

Nhu cầu bức thiết

Thành phần của Tổ công tác gồm Cục Hàng không Việt Nam và Vụ Vận tải (Bộ GTVT); Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Phòng điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Bộ Công thương; Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.

Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam làm Tổ trưởng Tổ công tác. Nhiệm vụ của ông Hảo là mời các thành viên họp và làm việc với các hãng hàng không; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Tổ công tác, tổng hợp, báo cáo kết quả về Bộ GTVT trong quý III tới đây.

Tổ công tác này có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, nội dung và làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Đặc biệt, trong trường hợp phát hiện những hành vi cạnh tranh vé máy bay không lành mạnh, Tổ Công tác sẽ kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Tổ Công tác sẽ làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý những tồn tại, vướng mắc (nếu có).

Việc thành lập Tổ Công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá, đối với giá vé máy bay dựa trên ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TCT Hàng không VN - Vietnam Airlines. 

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.

 

Ky vong gi vao To Cong tac dieu tra ve viec canh tranh ve may bay noi dia? - Hinh anh 2
 Đề xuất bỏ trần vé máy bay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

"Bài test" cho đề xuất bỏ trần vé máy bay

Trước đó, trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng, lấy ý kiến sửa đổi điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hàng không mới đây, Cục Hàng không Việt Nam bất ngờ đưa ra đề xuất bỏ trần giá vé với các đường bay nội địa có tính cạnh tranh cao.

Cơ quan này cho rằng, với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác thì các hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.

Còn đối với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác cả dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ GTVT.

Đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không cho rằng, việc bỏ trần vé máy bay sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không theo cơ chế thị trường và điều này sẽ có lợi cho người đi máy bay. 

“Có hãng đưa giá cao, thì cũng có hãng sẵn sàng đưa giá thấp hơn để lôi kéo khách hàng. Hiện tại, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng chọn hãng giá cao hơn với chất lượng phục vụ tốt hơn” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Tuy nhiên, Chuyên gia hàng không này cho rằng, việc bỏ trần vé máy bay nên có lộ trình chứ không nên bỏ đột ngột. Bởi nếu bỏ ngay có thể gây ra biến động, ảnh hưởng tới khách hàng, nhất là với những hãng lữ hành đã tính toán để đưa ra giá tour cho khách.

Trong đó, không ít ý kiến lo ngại rằng, việc bỏ trần vé máy bay sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không tự do điều chỉnh, đẩy giá vé lên mức cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của hành khách.

Được biết, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, quy định giá trần theo cự ly của từng đường bay.

Giá vé áp dụng cho 5 nhóm đường bay với mức giá vé 1,6 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác. Các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có từ 10 - 15 mức), tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.

 

 

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h