Theo Quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang. Tổng mức đầu tư dự án là 1.492 tỷ đồng.
Cầu Đồng Việt được kỳ vọng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Tại Gói thầu số 07 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng Cầu Đồng Việt nhà thầu đã trúng với giá là 1.132,7 tỷ đồng, chỉ tiết kiệm 0,1% so với giá gói thầu.
Là nhà thầu duy nhất tham dự, liên danh Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 07 Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu Đồng Việt.
Dự án cầu Đồng Việt do liên danh Tập đoàn Thuận An - Trung Chính - 168 Việt Nam thực hiện. Ảnh: Báo Thanh Tra
Liên danh trúng gói thầu nghìn tỷ dự án cầu Đồng Việt
Tập đoàn Thuận An thành lập tháng 8/2004, ngành nghề hoạt động chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Tại thời điểm tháng 10/2021, doanh nghiệp này thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Tới tháng 12/2021, Thuận An tiếp tục tăng vốn lên 800 tỷ đồng.
Tới tháng 1/2023, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG. Đại diện pháp luật khi này là ông Trần Anh Quang (SN 1985) kiêm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Duy Hưng (SN 1974) kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty.
Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng. Trong vai trò là nhà thầu độc lập, hoặc thành viên liên danh, Thuận An hiện cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Phối cảnh cầu Đồng Việt nối tỉnh Bắc Giang với Hải Dương
Những gói thầu có tên Thuận An có thể kể đến như gói thầu số 5 thi công xây dựng dự án sửa chữa cầu Thăng Long, TP. Hà Nội, trúng thầu tháng 7/2020 với giá 242,846 tỷ đồng; gói thầu XL10 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, trúng thầu tháng 12/2019 với giá 639,407 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng từng trúng gói thầu số 01EC thuộc dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (tỉnh Phú Yên), trúng thầu tháng 3/2019 với giá 496,034 tỷ đồng; gói thầu số 14 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An với giá trúng thầu là 60,006 tỷ đồng.
Tại công trình xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương thuộc dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, Thuận An trong vai trò liên danh cũng là nhà thầu thực dự án, với giá trị hợp đồng gần 120 tỷ đồng.
Thuận An cũng đang là nhà thầu thực hiện gói thầu số 2 của dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Tháng 8 vừa qua, Thuận An trong vai trò liên danh cũng đã trúng gói thầu số 26 tại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1).
Cũng trong vai trò liên danh, Thuận An nhiều lần tham gia sơ tuyển các dự án cao tốc Bắc - Nam như tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo...
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam có địa chỉ trụ sở chính tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2012 với số vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Tại thay đổi gần nhất vào tháng 10/2023, doanh nghiệp có vốn điều lệ đạt 300 tỷ đồng. Đại diện pháp luật là Tổng giám đốc Huỳnh Tiến Phong (SN 1963) và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Hòa (SN 1973). Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng các công trình giao thông vận tải.
Dữ liệu cho biết, doanh thu từ hoạt động xây dựng của doanh nghiệp các năm 2020-2022 lần lượt đạt 220 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và 400 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nay cũng trúng nhiều gói thầu lớn như: trong năm 2022, 168 Việt Nam liên danh với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Z1288 trúng Gói thầu số 2 Thi công xây dựng đoạn tuyến Km0+200 đến Km0+770, các hạng mục: xử lý nền đất yếu, thoát nước mưa, nước thải, tuynel kỹ thuật, nền đường, mặt đường (đường chính và đường gom), dải phân cách giữa với giá hơn 98,3 tỷ đồng. Gói thầu này thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến đường H, TP. Bắc Ninh (đoạn từ nút giao với đường Kinh Dương Vương đến hồ điều hòa - theo quy hoạch).
Bên cạnh các gói thầu trên, vào cuối năm 2021, 168 Việt Nam còn trúng 2 gói thầu thi công công trình giao thông khác trên địa bàn các tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn với tổng giá trúng thầu hơn 177,4 tỷ đồng. Cả 2 gói thầu này cũng chỉ có duy nhất một nhà thầu tham dự.
Một công trình giao thông lớn khác có sự tham gia của 168 Việt Nam là Gói thầu XL2 Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km15+000 - Km26+500 (bao gồm các cầu: Khe Chuộn, Thạch Hãn, Như Lệ 1, Như Lệ 2, cầu vượt HL48B) quy mô hơn 619,2 tỷ đồng. Đây là công trình thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Tại gói thầu này, 168 Việt Nam liên danh với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 để trúng thầu.
Về Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thành lập vào tháng 4/2007, đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc Trần Quang Việt (SN 1976). Tại thời điểm tháng 1/2024, doanh nghiệp có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó ông Trần Quang Việt góp 30%, Hồ Văn Hương góp 15% và Hồ Sỹ Hòa góp 55%.
Dữ liệu cho thấy, trong khoảng thời gian năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (Xây dựng Trung Chính) đã liên danh cùng Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam tại 10 gói thầu, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 14.800 tỷ đồng.
Tham gia nhiều gói thầu có giá trị, là phần nguyên nhân giúp doanh thu Xây dựng Trung Chính đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử, kết thúc năm 2021, doanh thu Xây dựng Trung Chính khoảng 2.312 tỷ đồng. Cao hơn nhiều so với con số 971 tỷ đồng của CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings, 1.531 tỷ đồng của CTCP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG)...
Bước sang năm 2022, doanh thu Xây dựng Trung Chính giảm về còn 1.785 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu của Phục Hưng Holdings đạt 1.853 tỷ đồng, Tập đoàn Đạt Phương đạt 2.320 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế đưa về của Xây dựng Trung chính lại “hạt tiêu” hơn rất nhiều so với 2 đơn vị kia.
Cụ thể, lãi trước thuế Xây dựng Trung Chính năm 2021 gần 11 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 5 tỷ đồng. Trong khi lãi trước thuế Phục Hưng Holdings hai năm gần nhất đạt 60 tỷ đồng và 21 tỷ đồng, Tập đoàn Đạt Phương đạt 109 tỷ đồng và 126 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy tỷ suất sinh lời của Xây dựng Trung Chính là thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cần nhấn mạnh rằng, tỷ suất sinh lời thấp là điều doanh nghiệp không mong muốn. Nhưng ở góc độ khác, lợi nhuận thấp khiến công ty giảm thiểu được chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Xây dựng Trung Chính đạt 2.602 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng so với năm trước đó.
Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả Xây dựng Trung Chính còn khoảng 2.373 tỷ đồng, tăng thêm hơn 500 tỷ đồng sau 12 tháng, chiếm 91% tổng tài sản và cao gấp 10,4 lần vốn chủ sở hữu (228 tỷ đồng).
Nợ vay tài chính tại Xây dựng Trung Chính xấp xỉ 692 tỷ đồng bao gồm hơn 625 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 67 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
PV