Nguy cơ “vỡ” tiến độ thu phí tự động không dừng đang làm đau đầu các nhà quản lý, các nhà đầu tư. Bên cạnh đó còn là sự không hài lòng từ một số người sử dụng dịch vụ và một số phản ứng tiêu cực của người tham gia giao thông.
Thu phí tự động không dừng là một dịch vụ được cho là tiện ích, thuận lợi cho nhiều lái xe, chủ xe. Vậy tại sao tới nay lại chỉ có khoảng 850.000 xe trong tổng số khoảng hơn 3,5 triệu xe trên toàn quốc sử dụng?
|
Liệu có “vỡ” tiến độ thu phí tự động không dừng? |
Nói về tính toán bài toán kinh tế, tài chính ở góc độ đầu tư kinh doanh, một nhà đầu tư đường cao tốc lớn của tuyến đường cao tốc hiện đại bậc nhất Đông Nam Á là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Vũ Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng, việc vừa là nhà đầu tư dự án BOT, vừa là nhà đầu tư dịch vụ thu phí tự động không dừng, VIDIFI cần phải cân đối giữa số làn tự động ETC và làn hỗn hợp, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khoảng 15% người sử dụng dịch vụ tự động hiện nay đi qua trạm, tránh lãng phí đầu tư.
“Xét mục tiêu quan trong nhất là thuận tiện trọng tham gia giao giao thông, chúng tôi tính toán tới việc khảo sát nhu cầu sử dụng làn ETC của khu vực này là khoảng 15%. Do vậy, chúng tôi tính toán lắp đặt số làn tương ứng. Còn thời gian tới, nếu số người sử dụng dịch vụ tăng lên, chúng tôi sẽ lắp đặt thêm số làn tương ứng, để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí”, ông Thành nói.
Đó là tính toán của nhà đầu tư và họ sẽ chỉ lắp đặt số làn thu phí tự động không dừng căn cứ theo ước tính, dự báo về lượng người sử dụng dịch vụ. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân vì sao tới này chỉ có khoảng 1/3 số làn tại các trạm BOT được lắp đặt.
Còn với nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, lý giải vì sao dịch vụ này chưa được hưởng ứng? Nhà đầu tư dịch vụ - Công ty TNHH VETC, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc nêu quan điểm rằng, Việt Nam đang đi ngược lại với xu hướng thế giới, tức là làm công nghệ thu phí tự động không dừng trước, rồi mới hoàn thiện hành lang pháp lý và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ “vỡ” tiến độ của dịch vụ này.
Ông Vinh cho rằng, để gỡ “nút thắt”, thì đây là giải pháp: “Thực tế là những khách hàng sử dụng dịch vụ đi vào làn ETC thì cần được ưu tiên, nhưng lại đang bị vướng các khách hàng khác đi trước không đúng làn. Do vậy, Bộ GTVT và Chính phủ cũng đan có hướng xử lý bằng chế tài xử phạt, để tăng ý thức của người tham gia giao thông, tăng lượng sử dụng dịch vụ ETC lên”.
Trước lo ngại của người dân về việc có tăng chi phí hay không khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động này, thì các chuyên gia và nhà quản lý đưa ra quan điểm rằng, vấn đề là chỉ thay đổi hành vi chi trả tiền mặt bằng chi trả tiền tự động. Vì vậy về mặt nguyên tắc và thực tế đều không phát sinh chi phí cho việc thanh toán. “Nút thắt” của vấn đề nằm ngay ở văn hóa giao thông, văn hóa sử dụng tiền mặt của người Việt, chứ không phải “tăng” hay “đội” chi phí.
Chính vì vậy, để thay đổi thói quen và văn hóa này, cần có thời gian. Nhưng chúng ta không thể cứ chờ đợi như vậy, mà cần có hành động tích cực đó là tuyên truyền và hướng dẫn để người tham gia giao thông có sự chuyển dịch từ văn hóa chi trả bằng tiền mặt sang trả tự động. Đồng thời, cũng phải để người sử dụng nhận thấy tiện ích của việc thanh toán phí giao thông nhanh chóng, tiện lợi và văn minh.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, nêu cách thức: “Quan trọng trong tương lai chuẩn bị cho lượng sử dụng dịch vụ tăng cao. Khi phân lớp hệ thống thu phí để thanh quyết toán cho các đơn vị. Như vậy sẽ linh hoạt trong những người tham gia và nhà đầu tư BOT. Không phải tại tất cả các làn đều thu phí tự động. Vì chúng ta làm tốc độ nhanh hơn, Hiện nay NHNN cũng có kế hoạch thẻ chip tụ động và hoàn thành 2021. Như vậy, khi đi qua các làn, chuyển sang dùng thẻ cũng tăng tốc độ lưu thông của các phương tiện qua trạm”.
Tới nay, nguy cơ chậm tiến độ của việc lắp đặt dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC đang chuyển từ chậm tiến độ sang nguy cơ “vỡ” tiến độ. Vì vậy, để hiện thực hóa cam kết của lãnh đạo Bộ GTVT ngay từ đầu năm, rất cần sự quyết tâm của cơ quan này. Chỉ khi có sự đồng bộ, nhất quán, kiên trì mới đi đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường giao thông thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và minh bạch.
Muốn vậy, tư duy tham gia giao thông và mong muốn sử dụng dịch vụ phải thông tỏ đến từng người tham gia giao thông, trước mắt là tới chủ nhân của khoảng 3.500.000 triệu xe ô tô trên toàn quốc./.