|
Trưởng Ban Quản lý đường sắt Hà Nội Nguyễn Cao Minh phát biểu tại tọa đàm |
Tối ưu tài nguyên đất
Chiều ngày 11/10, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Tầm nhìn mới về phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD): Đột phá từ Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024”.
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh khẳng định TOD không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại, mà là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị năng động, bền vững.
TOD đã chứng tỏ được hiệu quả trên phạm vi toàn cầu, là cầu nối vững chắc giữa hệ thống giao thông công cộng (GTCC) với các khu đô thị, mang lại giá trị vượt trội về kinh tế, văn hóa và môi trường sống; tận dụng tối đa hệ thống GTCC hiện tại và tương lai cùng lượng người sử dụng lớn.
“Hà Nội với vai trò là Thủ đô và trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, đang đứng trước một cơ hội lịch sử để xây dựng TOD trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn.
Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng. Chính sách TOD còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới” - ông Nguyễn Cao Minh nói.
Vị lãnh đạo MRB cũng cho rằng, TOD sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và tái tạo các khu vực trọng điểm trong TP thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng.
Điều này không chỉ giúp Hà Nội tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng GTCC như đường sắt đô thị (ĐSĐT) và hệ thống vận chuyển nhanh khu vực, mà còn cải thiện nguồn cung nhà ở hiện có, đồng thời phát triển thêm nhà ở mới cùng các trung tâm kinh tế quanh các nút giao thông chiến lược.
Qua đó, mở ra cơ hội khai thác giá trị đất đai một cách tối ưu, kích thích tăng trưởng bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường và hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Chính vì vậy TOD đã được Chính phủ và Hà Nội xác định là chiến lược lâu dài, hướng tới phát triển bền vững. Và để hiện thực hóa định hướng đó, Luật Thủ đô (sửa đối), Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua. Đây là những chính sách có vai trò như nguồn lực đối với TOD của Hà Nội.
Mang đến giá trị đặc thù
Phát biểu tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai 2024 với những ưu đãi đầu tư cụ thể như: miễn, giảm tiền sử dụng đất phục vụ hậu cần, hạ tầng cho các dự án ĐSĐT; cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đồng bộ các dự án có phạm vi đất xung quanh, dọc tuyến ĐSĐT, nhà ga để nhà nước quản lý, đấu thầu, đấu giá, phát triển hạ tầng … sẽ tạo nên động lực mới, mạnh mẽ hơn hẳn.
|
Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu |
Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu nhận định, cùng với Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai 2024 sẽ cởi trói về chính sách, tạo ra những cơ chế đặc thù, mang đến giá trị đặc thù để Thủ đô hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng có 600km ĐSĐT trong tương lai.
Tại Luật Thủ đô 2024 dành riêng một điều (Điều 31) quy định về cơ chế và công cụ phát triển dự án TOD tại Hà Nội, bao gồm các nội dung: Định nghĩa về khu vực TOD; Quy hoạch hệ thống ĐSĐT và khu vực TOD; Đầu tư phát triển ĐSĐT áp dụng mô hình TOD; Một số cơ chế thu phí LVC (giá trị thặng dư từ đất) trong khu vực TOD; Quản lý, vận hành và khai thác ĐSĐT và khu vực TOD.
Trong đó, Điều 31 Luật Thủ đô 2024 định nghĩa: Phát triển đô thị theo định hướng TOD là giải pháp quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông ĐSĐT.... làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện GTCC. Cùng với đó, Luật Thủ đô cho phép UBND TP Hà Nội quyết định các cơ chế, công cụ về quy hoạch, đầu tư...
|
ĐSĐT đã thay đổi chiến lược phát triển của Hà Nội |
Về những giá trị, cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô (sửa đổi) mang lại, Luật sư Lê Nết - Công ty Luật LNT & Partners phân tích, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và các quy phạm pháp luật khác về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô.
“Điều này có ý nghĩa là các cơ quan liên quan không còn phải lo lắng về việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, và chỉ tập trung vào nghiên cứu thực hiện Luật Thủ đô” - luật sư Lê Nết nói.
Nếu văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì không những Luật Thủ đô được ưu tiên hơn các luật khác, mà Nghị quyết HĐND TP, Nghị định Chính phủ để thi hành Luật Thủ đô cũng ưu tiên áp dụng hơn so với các nghị định, thông tư hướng dẫn các luật, nghị quyết khác.
Luật sư Lê Nết nhấn mạnh: “Điều 31 Luật Thủ đô đem đến nhiều thuận lợi để thực hiện các dự án Luật sư Lê Nết nhấn mạnh áp dụng mô hình TOD bởi cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, không bị chồng chéo; quy hoạch bài bản, có tầm nhìn xa, có tính khả thi.
Đặc biệt, HĐND TP được quyết định thay vì Bộ, ngành, Chính phủ hay thậm chí Quốc hội. Cùng với đó, việc điều chỉnh quy hoạch, dự án cũng được tiến hành ngay ở cấp UBND TP”.
Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô (sửa đổi), với những cải cách mang tính đột phá, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, giúp Hà Nội dẫn đầu trong phát triển các dự án đô thị theo định hướng giao thông.