|
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Thuốc đắng dã tật
Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và đã bắt đầu có tác động nhất định đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý, hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn bị xử phạt rất nặng, cao nhất từ 6 - 8 triệu đồng đối với xe máy và từ 30 - 40 triệu đồng đối với ô tô, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Điều này khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm, đa số ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít người tỏ ra băn khoăn với mức phạt nặng.
Anh Nguyễn Văn P. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã từng bị lập biên bản và phạt tiền 4,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe máy 17 tháng vì vi phạm nồng độ cồn. “Tôi biết hành vi sử dụng rượu, bia trước khi lái xe là sai. Nhưng mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là quá cao, có thể mất cả tháng lương” - anh P. chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, những người vi phạm về nồng độ cồn cơ bản chấp hành, tuy nhiên với mức tiền phạt cao khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ, khi người vi phạm không còn tỉnh táo, dẫn đến sự phản ứng, chống đối lực lượng chức năng.
“Một số trường hợp đã phản ứng hoặc có trường hợp giả danh một lãnh đạo cấp vụ. Một số người khác phản ứng tiêu cực, khóa cửa, bỏ lại xe để đi hoặc có những hành vi không hợp tác khác” – Thượng tá Nhật dẫn chứng.
Với các tuyến cao tốc, lực lượng CSGT trên cả nước cũng đang tổ chức kiểm tra chặt chẽ tài xế, nếu phát hiện vi phạm nồng độ cồn sẽ xử lý nghiêm, nhằm góp phần kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ cho hay đã bố trí lực lượng, quân số đủ mạnh, trang bị đủ phương tiện trong đợt cao điểm. Trong đó, tập trung vào các lỗi hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông sử dụng nồng độ cồn, chở người quá quy định.
Tai nạn giao thông đã giảm
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng – Giảng viên cao cấp trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, xử phạt cao để uốn nắn những hành vi chưa chuẩn là cần thiết để đối tượng cần nhận thức và xác định lại cách thực hiện hành vi cho phù hợp. Từ nhận thức về tâm lý là lo sợ, người dân sẽ dần tạo thói quen từ chối trong mỗi cuộc nhậu. Người dân sẽ vì thiệt hại cá nhân mà thay đổi hành vi.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết: “Chúng tôi kiểm soát cồn theo kinh nghiệm quốc tế, tức là tiến hành định tính trước có cồn hay không thì mới định lượng (đo bằng máy – PV). Các chốt kiểm tra đảm bảo công khai, minh bạch, đủ quân số. Đồng thời, chúng tôi có phương pháp, biện pháp xử lý nghiêm đối với những hành vi cố tình chống đối, không hợp tác”.
Anh Nguyễn Sơn Tùng – Chủ nhà hàng Dã sử Việt (phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khi mới có Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều khách không dám sử dụng rượu, bia dẫn đến việc cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể.
“Nhà hàng đã áp dụng một số dịch vụ gia tăng như bố trí lái xe đưa khách về tận nhà, trông giữ xe miễn phí hay liên kết với một số hãng xe công nghệ, đặt xe thông qua ứng dụng mobile… Đến nay, khách hàng đã rất có ý thức, chủ động việc sử dụng phương tiện khi đến để những cuộc vui dịp cuối năm được trọn vẹn” – anh Tùng chia sẻ.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, từ đầu năm đến nay, mỗi ngày toàn quốc giảm 4 vụ tai nạn giao thông có người chết so với cùng kỳ năm 2019. Đây thực sự là những con số “biết nói”, cho thấy hiệu quả tích cực từ việc siết chặt quản lý, xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.
Theo Điều 5 và 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ.