Nâng cao văn hóa ứng xử trên xe buýt

 
Chia sẻ

(LĐTĐ) Hệ thống xe buýt trên địa bàn Hà Nội đã và đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân làm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên bên cạnh những tiện lợi mà xe buýt mang lại thì hiện nay, văn hóa của người đi xe buýt đang là nỗi lo của rất nhiều người.

Hơn một năm nay, bà Nguyễn Thị Nga (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chọn xe buýt làm phương tiện đi chợ, đi chơi và với bà Nga đây là phương tiện giao thông vừa rẻ lại rất thuận tiện.

Nang cao van hoa ung xu tren xe buyt - Hinh anh 1
Ngày càng đông người dân đăng ký sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại

Đánh giá về chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện nay, chị Nguyễn Tâm Anh (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho hay: "Hiện nay không chỉ có mỗi học sinh, sinh viên mà nhiều người dân cũng chọn phương tiện này để đi làm.

Đặc biệt ý thức người dân được nâng cao hơn, trên xe buýt ít xảy ra tình trạng trộm cắp, gây mất trật tự chung, lái, phụ xe thân thiện, luôn niềm nở hướng dẫn khách ở từng điểm dừng, đỗ”.

Để có được sự đánh giá hài lòng của người dân khi sử dụng phương tiện công cộng này, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế các xe cũ, gây ô nhiễm môi trường, tạo hình ảnh xe buýt an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách. Hệ thống xe buýt đã có những thay đổi tích cực cả về hạ tầng, chất lượng phương tiện tới chất lượng dịch vụ...

Các giải pháp bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, lượng hành khách tăng dần qua các năm. Cụ thể, hiện nay mạng lưới xe buýt của Thành phố gồm hơn 100 tuyến, bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, kết nối tới các bệnh viện, các trường học, khu công nghiệp, khu dân cư. Phần lớn các phương tiện được đổi mới về chất lượng, năng lực vận chuyển khoảng 1,2 triệu lượt khách/ngày.

Đặc biệt hơn cả, sau thời gian dài Thành phố triển khai các biện pháp tuyên truyền xây dựng văn hoá ứng xử, đến nay hình ảnh những chuyến xe buýt văn minh, lịch sự, những nụ cười thân thiện của nhân viên, hành khách không còn là chuyện hiếm hoi khó gặp trên mỗi chuyến xe buýt.

Tuy nhiên đâu đó vẫn còn xuất hiện những hành vi chưa đẹp của một số hành khách như không nhường ghế, chen lấn xô đẩy mỗi lần tới trạm dừng đón và trả khách, một số người đứng chắn ngay cửa lên, xuống mặc dù còn rất nhiều vị trí trống khác, hoặc lái, phụ xe chưa đem lại sự hài lòng cho hành khách.

Bên cạnh đó, nhiều hành khách nói chuyện trao đổi ồn ào hay nghe điện thoại lớn tiếng, xả rác trên sàn xe… gây bức xúc, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đáng nói đã có không ít trường hợp gây ồn ào trên xe buýt được lái, phụ xe hoặc hành khách đi cùng nhắc nhở nhưng họ không mấy quan tâm đến lời nhắc nhở, thậm chí chửi bới, hành hung lái, phụ xe.

Điển hình, mới đây nhất, ngày 20/10 xe buýt Biển kiểm soát 29B - 188.23 chạy tuyến Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Hồng Quang (do công nhân lái xe là anh Vũ Văn Trí và nhân viên phục vụ là chị Đỗ Thúy Hinh vận hành) đang chở khách (chiều từ Bến xe Mỹ Đình đi Bến xe Hồng Quang) đến khu vực Xà Kiều, huyện Ứng Hòa, thì có một thanh niên đứng giữa đường chặn xe dừng lại, sau đó thanh niên này và cùng 4 thanh niên khác lên xe.

Khi lên xe, các thanh niên này đã nói chuyện rất nhiều, có những lời lẽ thô tục làm mất trật tự và còn cà khịa công nhân viên của Xí nghiệp trên xe gây ảnh hưởng đến các hành khách khác trên xe, vi phạm nội quy, trách nhiệm đối với hành khách đi xe buýt.

Nang cao van hoa ung xu tren xe buyt - Hinh anh 2
Mỗi người cần nâng cao ý thức văn hóa khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Chứng kiến sự việc, nhân viên Đỗ Thúy Hinh đã nhắc nhở các thanh niên thực hiện theo nội quy, trách nhiệm của hành khách đi xe buýt. Thế nhưng các hành khách này không những không thực hiện theo mà còn lập tức hành hung nhân viên phục vụ Đỗ Thúy Hinh khiến chị phải nhập viện.

Đó chỉ là một trong số những vụ việc làm mất đi nét đẹp văn minh trên xe buýt, qua đó một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa giao thông công cộng. Dẫu biết rằng, thực tế hành khách đi xe buýt thuộc nhiều tầng lớp, độ tuổi, trình độ nên khó tránh khỏi những hành vi ứng xử thiếu tế nhị.

Do đó để hình thành văn hoá xe buýt, chúng ta không chỉ dừng lại ở đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ mà phụ thuộc vào cả ý thức của những hành khách khi tham gia loại hình giao thông này. Bởi lẽ văn hóa phải được xây dựng từ ý thức của mỗi cá nhân chứ không phải riêng bộ phận nào, đều cần sự chung tay của tất cả mọi người.

Những tiện ích của xe buýt đem lại ngày càng rõ, tuy nhiên một số người đã cư xử thiếu văn hóa khiến không ít người ngại chọn xe buýt làm phương tiện đi lại chính. Do vậy mỗi người cần tự giác nâng cao ý thức để xây dựng nét văn hóa xe buýt, mỗi người cần cư xử làm sao để tất cả hành khách trên xe luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ mỗi khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

 


Theo báo Lao Động Thủ Đô

Tin liên quan