Năng lực, chất lượng vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu

 
Chia sẻ

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, dịp Tết năm nay, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

An ninh trật tự tại bến xe, nhà ga, sân bay và các phương tiện vận tải được duy trì ổn định; khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Toàn ngành GTVT đã nỗ lực cao nhất để bảo đảm phương tiện phục vụ người dân về quê đón Tết. Nhiều nhà máy, doanh nghiệp, nhiều trường đại học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã hỗ trợ phương tiện đưa đón công nhân, sinh viên nghèo về quê và quay trở lại làm việc, học tập.

Nang luc, chat luong van tai co ban dap ung nhu cau - Hinh anh 1
Giao thông khu vực cửa ngõ Thủ đô Hà Nội đông đúc trong chiều 29-1.

Số người vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong bảy ngày nghỉ Tết vừa qua (từ ngày 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng), cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 133 người, bị thương 174 người. So cùng kỳ năm trước, TNGT giảm cả ba tiêu chí: giảm 24 vụ (10,8%), giảm bảy người chết (5%) và giảm 38 người bị thương (17,9%). Đáng chú ý, các tỉnh Bắc Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn, Thái Nguyên không xảy ra TNGT.

Xảy ra hai vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết sáu người, tại Đắk Lắk (ngày 29 Tết, xe máy kẹp ba đâm vào ô-tô chở khách đi ngược chiều, làm chết cả ba người) và tại Tây Ninh (ngày mồng 4 tháng Giêng, hai xe máy đâm nhau, làm chết ba người). Theo phân tích của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), nguyên nhân tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn 2%; vi phạm phần đường 18,4%; vi phạm tốc độ 6,8%; còn lại đang điều tra, chưa rõ nguyên nhân. Trong tổng số vụ TNGT bảy ngày nghỉ Tết, 50,7% số vụ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chiếm 18,8%, huyện lộ chiếm 10,2%, các tuyến khác chiếm 20,3%.

Lực lượng CSGT công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT là nguyên nhân gây TNGT, xử lý gần 20 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 19,3 tỷ đồng, tạm giữ 179 ô-tô, 2.651 mô-tô, tước 2.688 giấy phép lái xe. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn gần 36 nghìn trường hợp, phát hiện xử lý gần 3.200 trường hợp (chiếm 8,9%). Trên các tuyến cao tốc, Cục CSGT đã bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra cơ động, kịp thời nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT và giải quyết các vụ việc đột xuất xảy ra trên tuyến.

Trong dịp Tết Nguyên đán, số lượt phản ánh qua đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia giảm đáng kể so Tết những năm trước, tổng số hơn 120 lượt gọi/bảy ngày; chủ yếu phản ánh tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông. Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như: phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe,...

CSGT các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban ATGT quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách. Lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe phụ thu giá vé quá cao so quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe.

Ùn tắc tại cửa ngõ các thành phố lớn

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, trong bảy ngày nghỉ Tết, do điều kiện đường sá êm thuận, tổ chức phân luồng hợp lý và hướng dẫn giao thông của lực lượng chức năng, dịp Tết không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài như một số năm trước.

Chiều 29-1 (mồng 5 tháng Giêng), ngày nghỉ cuối cùng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán, lượng phương tiện giao thông đổ về các tuyến cửa ngõ, bến xe của Thủ đô tăng đột biến dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng. Từ đầu giờ chiều, các dòng phương tiện từ cầu Thanh Trì, vành đai 3 trên cao, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Ngọc Hồi hướng vào Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát và trung tâm Thủ đô khiến khu vực này luôn trong tình trạng kẹt cứng phương tiện. Đoạn đường bị ùn tắc kéo dài hàng km từ trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Pháp Vân. Cơ quan chức năng phân luồng tại nút giao với đường vành đai 3, nhưng do lượng phương tiện quá lớn nên ùn tắc kéo dài. Khu vực đường vành đai 3 dưới thấp đoạn qua cổng Bến xe Nước Ngầm, các phương tiện từ đường tránh và các nút giao di chuyển sang đường vào trung tâm thành phố khiến tuyến đường này ùn tắc kéo dài. Tình trạng này cũng diễn ra tại khu vực đường Nguyễn Văn Cừ và đường Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chiều hướng về Hà Nội.


Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngoài các phương án hướng dẫn, phân luồng đón người dân ở các tỉnh phía nam lên Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết, Phòng CSGT còn chuẩn bị sẵn phương án hướng dẫn phương tiện trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ rẽ về quốc lộ 1B theo lối ra từ Vạn Điểm (Phú Xuyên) và Thường Tín (Hà Nội). Phương án này đã được thống nhất cùng Sở Giao thông vận tải Hà Nội trước đó.

Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội - đơn vị phụ trách địa bàn cửa ngõ phía nam vào trung tâm TP Hà Nội) thông tin, từ đầu giờ chiều 29-1, các tổ công tác của đơn vị đã ứng trực tại đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn qua quận Hoàng Mai) để điều tiết phương tiện lưu thông lên đường vành đai 3 trên cao theo hai hướng đi về quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và qua cầu Thanh Trì đi huyện Gia Lâm, quận Long Biên. Tại đường Giải Phóng, một tổ công tác cũng túc trực hướng dẫn phương tiện lưu thông vào nội đô.

Với sự vào cuộc tích cực này, đến khoảng 19 giờ, tình hình giao thông Thủ đô tương đối ổn định.

Ở các tỉnh phía nam, chiều mồng 4 tháng Giêng, hàng nghìn phương tiện từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh,… đổ về TP Hồ Chí Minh, khiến giao thông bị ùn tắc cục bộ trên quốc lộ 60 từ ngã ba An Khánh đến gần chân cầu Rạch Miễu khoảng 4 km. Đến khoảng 15 giờ 15 phút, trạm thu phí cầu Rạch Miễu phải xả trạm cả sáu làn xe, tới 19 giờ, tình hình mới được cải thiện. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên chiều 29-1, trên các tuyến quốc lộ 1 đi miền đông và miền tây, các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 13, 14, 22, 51, các tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông, Miền Tây,… lượng phương tiện tăng khá cao. Tuy nhiên, do người dân từ các nơi trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc rải rác từ ngày mồng 3 Tết nên tình hình giao thông đi lại nhìn chung khá thông thoáng so những năm trước đây. Tại bến xe Miền Đông và Miền Tây, vào cuối giờ chiều, số lượng phương tiện đổ về tuy tăng mạnh nhưng không xảy ra cảnh chen chúc. Tại các tuyến đường quanh các bến xe, lực lượng CSGT đã tổ chức trực chốt điều tiết giao thông, không xảy ra ùn tắc kéo dài như những năm trước.

Với đặc thù địa bàn tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, nơi có hàng triệu công nhân lao động nên từ chiều 29-1, lượng phương tiện ô-tô và xe máy trở lại thành phố làm việc qua địa bàn Đồng Nai trên các tuyến quốc lộ tăng cao, nhưng không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai đã huy động lực lượng và 40 chiến sĩ cảnh sát cơ động để điều tiết giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt. Theo Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó Trưởng phòng CSGT tỉnh Đồng Nai, lượng ô-tô khách dự báo từ rạng sáng ngày 30-1 trên quốc lộ 1 qua địa bàn Đồng Nai sẽ tăng đột biến. Trong những ngày tới, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1, xử lý nghiêm các trường hợp xe khách chở quá số người quy định. Từ ngày 27-1, CSGT tỉnh Đồng Nai đã tặng nước suối, khăn lạnh miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi xe máy trên các tuyến quốc lộ.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá, trong bảy ngày nghỉ Tết, trật tự ATGT trên toàn quốc về cơ bản được bảo đảm tốt, TNGT giảm cả ba tiêu chí (giảm 10,8% số vụ, giảm 5% số người chết và giảm 17,9% số người bị thương). Số vụ nhập viện do TNGT giảm hơn 17% so cùng kỳ; tai nạn thương tích và TNGT liên quan nồng độ cồn giảm sâu. Thống kê tại các bệnh viện tuyến trên cho thấy, các vụ TNGT nhập viện liên quan nồng độ cồn tại Bệnh viện Việt Đức, Chợ Rẫy chỉ ở khoảng 7-8%, giảm hơn 60% so dịp Tết năm trước. Trong dịp Tết, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định; tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục. Các đơn vị ngành GTVT nỗ lực cao nhất để bảo đảm phương tiện phục vụ người dân về quê đón Tết với gia đình. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, trật tự ATGT diễn biến khá phức tạp, nhất là ngày mồng 1 Tết, TNGT tăng 47%. Nguyên nhân do hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT của một bộ phận người dân khu vực nông thôn lái xe trong tình trạng say xỉn; vi phạm về tốc độ, phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm.

Để bảo đảm trật tự ATGT mùa lễ hội xuân, Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo báo Nhân dân

Tin liên quan