"Hội chứng" muốn di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô
Mới đây, tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Bộ GTVT di dời tuyến đường sắt ra khỏi TP Việt Trì và TX Phú Thọ vì cho rằng không phù hợp quy hoạch.
Trước đó, một doanh nghiệp tư nhân cũng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép nghiên cứu, khảo sát đầu tư cũng như bỏ vốn thực hiện dự án cải tạo, xây dựng nhà ga hỗn hợp tại vị trí nằm ngoài nội đô TP Nha Trang. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất ga Nha Trang hiện tại sau di dời.
Trước Phú Thọ và Nha Trang, một loạt các địa phương cũng đề xuất được di dời ga ra khỏi nội đô như Đà Nẵng, Quy Nhơn. Cụ thể, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc tồn tại ga Quy Nhơn đã gây chia cắt đô thị, ảnh hưởng đến quy hoạch thành phố. Trong khi đó, ga Quy Nhơn và ga Diêu Trì chỉ cách nhau chưa đến 10km.
|
Nhiều địa phương muốn di dời ga đường sắt khỏi nội đô để lấy "đất vàng" |
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực ga Quy Nhơn và vùng phụ cận. Theo đó, toàn bộ diện tích ga Quy Nhơn sẽ được sử dụng vào mục đích xây các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, còn phần đất dọc theo đường sắt sẽ được sử dụng để mở rộng đường Trần Hưng Đạo.
Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị xem xét chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án ngừng hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn và cho di dời ga Quy Nhơn ra khỏi nội đô nhằm tạo điều kiện cho Bình Định triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; mở rộng không gian thành phố; kết nối Quy Nhơn với đầu mối giao thông khu vực và cả nước.
Trong khi đó theo phân tích, Bình Định là địa phương có cảng biển Quy Nhơn, nếu bỏ tuyến đường sắt thì vấn đề kết nối sau này sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, việc phát triển cũng khó có thể hài hòa, vì phục vụ vận chuyển hàng hóa cho cảng biển mà thiếu đường sắt thì sẽ khó có thể phát huy.
Hay như với ga Nha Trang, theo quy hoạch đã được các cấp phê duyệt, nhà ga sẽ được cải tạo, không còn chức năng tác nghiệp hàng hóa như hiện nay, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách. Tác nghiệp hàng hóa sẽ được thực hiện tại ga khác.
Hơn nữa, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năng lực vận tải hành khách nhà ga vẫn đảm bảo nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị áp lực nên không cần di dời toàn bộ nhà ga như đề xuất của nhà đầu tư. Mặt khác, ga ở khu vực trung tâm TP Nha Trang - thành phố du lịch biển, sẽ tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu, đồng thời phát triển được vận tải đường sắt.
Địa phương muốn có "đất vàng"
Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam thừa nhận, nhiều địa phương đang kiến nghị di dời ga đường sắt ra ngoài nội đô. Tuy nhiên, đây mới là đề nghị từ địa phương, còn việc có chấp thuận di dời hay không phải căn cứ trên quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đã được phê duyệt và tính cấp thiết của việc di dời đó.
Cụ thể, với ga Đà Nẵng, việc di dời đã có trong quy hoạch do ga Đà Nẵng là ga cụt, các đoàn tàu thông qua đây đều phải làm tác nghiệp đảo đầu máy, kéo dài thời gian tác nghiệp của đoàn tàu. Vì vậy, việc di dời đã được Chính phủ chấp thuận.
Hiện, Đà Nẵng cũng đã xây dựng phương án di dời, kể cả phương án vốn. Địa phương muốn kêu gọi vốn theo hình thức BOT, nhưng nguồn lực từ nhà đầu tư chưa đủ, cần có nguồn lực từ Nhà nước nhưng Chính phủ chưa chấp thuận cấp vốn. Vì hiện nay Chính phủ ưu tiên vốn cho những vị trí xung yếu hơn như hầm yếu, cầu đường yếu; Trong khi việc di dời ga chủ yếu phục vụ phát triển KT-XH địa phương.
Với ga Nha Trang, nhà đầu tư đề xuất tự bỏ vốn để nghiên cứu, khảo sát đầu tư cũng như bỏ vốn thực hiện dự án cải tạo, xây dựng nhà ga hỗn hợp khách - hàng tại vị trí khác ngoài nội đô TP Nha Trang. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất ga Nha Trang hiện tại sau di dời. Tuy nhiên, theo quy hoạch đường sắt, chỉ di dời chức năng tổ chức vận tải hàng hóa ra ga phía ngoài nội đô, ga Nha Trang hiện tại vẫn thực hiện chức năng vận tải hành khách.
“Đây là mong muốn của nhiều địa phương, muốn di dời ga và các cơ sở công nghiệp đường sắt ra ngoài đô thị vì với vị trí trung tâm, đất đường sắt toàn là khu “đất vàng”. Trong khi đa số các ga trên mạng lưới đường sắt hiện nay không nằm trong quy hoạch di dời vì thuận tiện cho phát triển phương thức vận tải đường sắt”, đại diện Cục Đường sắt phân tích.
Liên quan đến kiến nghị của các địa phương, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, chúng ta đang có bài học tháo dỡ đường sắt xuống các cảng biển, dẫn đến mất kết nối vận tải đường sắt - vận tải biển, đội chi phí vận tải. Nếu tiếp tục di dời ga ra ngoài nội đô, sẽ có bài học lớn hơn nữa.