|
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương là dự án đầu tiên trong nước hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2010 |
Thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), đến nay, trong cả nước đã có 950km đường bộ cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác. Chỉ tính riêng năm 2018 có khoảng hơn 200km cao tốc hoàn thành, tạo động lực to lớn để thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước, các địa phương nơi dự án đi qua.
Báo Giao thông điểm lại một số dự án cao tốc trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào khai thác:
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương khởi công ngày 16/12/2004, đưa vào khai thác ngày 3/2/2010. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 40km, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư 9.884 tỷ đồng. Tuyến đường nối từ TP.HCM đi qua Long An đến tỉnh Tiền Giang, góp phần giảm tải cho QL1.
Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để sớm nối thông đoạn tuyến từ TP HCM đến Cần Thơ.
|
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km được đưa vào khai thác từ tháng 6/2012 |
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) dài 50km được khởi công tháng 1/2006 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6/2012 với tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng. Đây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc bộ.
Kể từ khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đưa vào khai thác đã tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, các địa phương lân cận và cả nước; giúp các tỉnh giao thương thuận tiện và nhanh chóng, góp phần hình thành và thúc đẩy các ngành nghề, các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển; góp phần giảm ách tắc và tai nạn giao thông trên QL1…
|
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai nắm giữ kỷ lục là tuyến cao tốc dài nhất cả nước với 245km |
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang giữ “kỷ lục” là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam. Dự án được đưa vào khai thác từ tháng 9/2014 đã rút ngắn nửa thời gian từ Hà Nội đến Lào Cai từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ đồng hồ. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua 5 tỉnh thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai.
Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng đang giữ kỷ lục về suất đầu tư hiệu quả nhất. Với tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, suất đầu tư của dự án chỉ vào khoảng 6 triệu USD/km đường cao tốc, thuộc loại thấp nhất hiện nay.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn của toàn ngành GTVT, tạo đà dịch chuyển KT-XH, đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; góp phần kết nối các khu vực nghèo, vùng sâu vùng xa của Tây Bắc với các trung tâm kinh tế, tạo đà phát triển phía hữu ngạn sông Hồng, khu vực Tây Bắc. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, kể từ khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác còn giảm bớt áp lực, góp phần giảm thiểu tắc nghẽn và TNGT trên các tuyến QL2, QL2B, QL32C, QL4E và QL70.
|
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá là tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam |
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuyến cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Dự án được khởi công năm 2008, khánh thành đưa vào khai thác tháng 12/2015. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại.
Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822m, cầu Thanh An dài 963m. Cao tốc đi qua 4 khu vực dân cư có bố trí hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn. Tuyến đường đi vào khai thác đã rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội - Hải Phòng xuống còn 1,5 giờ so với 3 giờ đi trên QL5.
|
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139km được Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 2/9/2018 |
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 2/9/2018. Tuyến cao tốc dài 139km, được thiết kế với vận tốc 120km/h, tổng mức đầu tư lên tới 34.000 tỷ đồng rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống còn khoảng 1 giờ, so với khoảng hơn 3 giờ khi lưu thông trên tuyến QL1. Đặc biệt, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn giảm tải rất lớn cho QL1 khi khu vực miền Trung xảy ra tình trạng mưa lũ, ngập lụt.
|
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng rút ngắn quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130 km, thời gian đi ô tô giảm từ 3 - 4 giờ xuống còn 1,5 giờ |
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khánh thành ngày 1/9/2018 có tổng chiều dài 25,2 km, bao gồm 2 dự án với tổng mức đầu tư 13.693 tỷ đồng; trong đó, dự án đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng có vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; dự án cầu Bạch Đằng vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng, gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước 488 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn), nguồn vốn của nhà đầu tư 6.789 tỷ đồng. Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án đưa vào khai thác đã góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng Duyên hải Bắc bộ; rút ngắn quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hà Nội là 180 km như hiện nay xuống còn 130 km, thời gian đi ô tô giảm từ 3 - 4 giờ xuống còn 1,5 giờ. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75 km xuống còn 25 km.
|
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được thông xe, đưa vào khai thác từ 30/12/2018 |
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn có tổng mức đầu tư 11.857 tỷ đồng được thiết kế tốc độ 100km/h với quy mô 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Vân Đồn từ 90 phút xuống còn khoảng 50 phút. Dự án được thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018. Cùng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã thông xe đầu tháng 9/2018, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tạo mạch giao thông cao tốc thông suốt từ Hà Nội đến Vân Đồn, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5h xuống còn 2h30 phút, tăng cường kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần thúc đẩy KT-XH Quảng Ninh.