Nhịp cầu của tương lai

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đây không chỉ là những công trình gắn kết đôi bờ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đưa kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả vùng lên tầm cao mới.

Nhip cau cua tuong lai - Hinh anh 1
Cầu Tứ Liên sau khi hoàn thiện sẽ thêm một công trình ấn tượng của Hà Nội Ảnh: Ban tổ chức

Phát huy giá trị, nối những bờ vui

Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng; tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị; giữa các vùng địa phương và đô thị vệ tinh. Trong đó 9 cầu đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy - giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

9 cây cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên tuyến Vành đai 4); Thăng Long mới (Vành đai 3); Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (trên tuyến đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, tất cả những công trình nêu trên đều có tính chất rất quan trọng, kết nối bờ phải và bờ trái sông Hồng làm cơ sở cho phát triển Thủ đô, góp phần giảm tải áp lực giao thông, tăng thêm kết nối khu trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận. Thực tế đó đòi hỏi Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ xây cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ nam hỗ trợ bờ bắc sông Hồng, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc xây dựng thêm những cây cầu không chỉ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú để để tái cơ cấu kinh tế, hình thành và phát triển các khu dân cư mới. “Có thể nói những cây cầu không chỉ là đảm bảo mục tiêu giao thông, mà cầu là biểu tượng văn hóa của một giai đoạn nhất định, mỗi cây cầu sẽ phải mang cho mình một yếu tố đặc thù riêng” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Nêu dẫn chứng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, tại sông Seine ở Paris (Pháp), mỗi cây cầu có một hình dáng khác nhau và mang một ý nghĩa văn hóa khác nhau. Nếu đã trải nghiệm du lịch Pháp, đến Paris và bị hút hồn bởi những công trình kiến trúc tuyệt vời, nghệ thuật như có trong từng hơi thở của người dân nơi đây thì sẽ không thể bỏ qua vẻ đẹp của những cây cầu diễm lệ của Thủ đô Paris.

Những nhịp cầu của tương lai

Nhip cau cua tuong lai - Hinh anh 2

Phối cảnh thiết kế cầu Thượng Cát theo phương án “cánh chim hòa bình” Ảnh: hanoi.gov.vn

Hiện, Hà Nội đang có chủ trương phát triển rộng sang 2 bên bờ sông Hồng. Trong tương lai, TP sẽ xây dựng thêm nhiều cầu vượt qua sông Hồng để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng tăng. Với định hướng này, mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị tư vấn tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
 Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, huyện Đông Anh).

Bên cạnh đó, để giảm tải cho Vành đai 3 và Quốc lộ 32, Hà Nội đang rất kỳ vọng vào việc kết nối các đoạn tuyến có sẵn của Vành đai 3,5. Trong đó, cây cầu Thượng Cát giữ vai trò rất quan trọng, là mảnh ghép thiết yếu trên “trục lõi” từ cửa ngõ Tây - Bắc sang phía Nam Thủ đô.

Dự án cầu Thượng Cát sẽ bao gồm cả đường dẫn hai đầu cầu, dài 4,5km, mặt cắt 60m, điểm đầu cầu khớp nối với Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32. Điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Sự hiện diện của cầu Thượng Cát sẽ rút ngắn khoảng cách từ khu vực Bắc Từ Liêm, Hoài Đức đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Quốc lộ 5 kéo dài. Vừa qua, UBND TP đã công bố, trao giải cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát; hiện đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, dự án sẽ khởi công vào dịp 10/10/2024, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cùng với đó, Hồng Hà và Mễ Sở là 2 cầu thuộc dự án giao thông trọng điểm Quốc gia: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, được xác định ưu tiên triển khai trong năm 2024. Dự án cầu Mễ Sở sẽ kết nối từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mục đích phân luồng giao thông, giảm phương tiện vào khu vực nội đô TP. Đồng thời tăng hiệu quả khai thác của 2 tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Chúng ta không thể không nhắc tới dự án xây dưng cầu Trần Hưng Đạo. Cây cầu này được kỳ vọng sẽ kéo gần khoảng cách giữa khu vực trung tâm với các đô thị phía Bắc thuộc quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, áp lực đô thị hóa trong khu trung tâm Hà Nội đang căng cứng như một dòng nước lũ bị ngăn vây bởi “dải đập” sông Hồng. TP đang rất cần những cây cầu để khép kín các vành đai giao thông lớn, mở hướng phát triển về phía những vùng đất giàu tiềm năng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên…

Trong tương lai, Hà Nội sẽ có nhiều cây cầu lớn được xây dựng, đó là hình ảnh lãng mạn của một Thủ đô hiện đại, văn hiến, văn minh trong thế kỷ XXI. Mỗi cây cầu không chỉ có chức năng giao thông, mà còn là cổng chào trên sông, là tác phẩm kiến trúc cầu mang tính văn hóa, tính biểu tượng, phản ánh sự phát triển của một TP được mệnh danh là TP vì hòa bình.

Triệu Tâm

Tin liên quan