|
"Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam phía Đông là một trong những dự án đặc biệt quan trọng. |
“Siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Cùng với Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025) chính là một trong hai dự án giao thông được chờ đợi nhất trong năm Nhâm Dần 2022. “Siêu dự án” này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 1/2022 và đang trong giai đoạn hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để khởi công.
Theo chủ trương được Quốc hội thông qua, cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ có 12 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 729km. Tổng mức đầu tư của dự án 146.990 tỷ đồng và toàn bộ sẽ đầu tư công. Dự án có quy mô mô 6 làn xe, trong đó giai đoạn một làm 4 làn xe. Riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có quy mô 4 làn xe.
Theo tiến độ thực hiện dự án được xây dựng, công tác chuẩn bị dự án được thực hiện từ năm 2021 - 2022; công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư được thực hiện trong giai đoạn năm 2022 – 2023 và công tác khởi công dự án sẽ được thực hiện vào năm 2023 để đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng trong năm 2022 để khởi công một số đoạn. Các đoạn còn lại sẽ xây dựng trong 3 năm tiếp theo, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Dù không phải là dự án được khởi công sớm nhất trong năm 2022 nhưng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 vẫn nằm trong danh sách những dự án giao thông “xông đất” năm Nhâm Dần được chờ đợi nhất với quy mô, tính chất và tầm quan trọng hàng đầu.
|
Dự án Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là một trong những dự án "mở hàng" cho ngành giao thông trong năm Nhâm Dần. |
Ba dự án “xông đất” ngay trong quý I/2022
Đó là Dự án Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Dự án Nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1, tỉnh Quảng Trị và Hạng mục bổ sung xây dựng cầu vượt nút giao với QL39 thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu. Cả 3 dự án này theo dự kiến sẽ được khởi công ngay trong quý 1/2022.
Trong đó, Dự án Nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1, tỉnh Quảng Trị dài 13,8km, quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 28m. Dự án có mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng, sử dụng vốn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam, vay vốn của Ngân hàng Thế giới.
Dự án Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) dài 8,75km. Trong đó 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45km đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu dự án giao đường tỉnh 25B, đoạn qua địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn TP Thủ Đức.
Dự án này được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Còn lại, hạng mục bổ sung xây dựng cầu vượt nút giao với QL39 thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Hưng Hà được thiết kế với chiều dài hơn 222m với bề rộng 22,5m quy mô gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp, có dải phân cách giữa. Tổng mức đầu tư công trình dự kiến hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA khoảng hơn 311 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 38 tỷ đồng.
|
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được chờ đợi sẽ mang đến đột phá về hạ tầng giao thông cho khu vực miền núi phía Bắc. |
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với hơn 20.900 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn dài 52km, đoạn qua tỉnh Cao Bằng dài 63km. Tuyến đường gồm 4 làn xe cơ giới, tốc độ 80km/h, đoạn địa hình khó khăn cho phép thiết kế 60km/h. Thời gian hoàn vốn dự án là khoảng 22 năm 7 tháng.
Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn một từ nay đến năm 2024 xây dựng khoảng 93km từ Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) với quy mô nền đường 17m. Giai đoạn hai sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22km đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Đến nay, dự án đã thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai lập khung chính sách; đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án tuyến so sánh. Tỉnh Cao Bằng cũng đã thi tuyển phương án kiến trúc cho công trình với kỳ vọng là tuyến cao tốc đẹp nhất cả nước. Dự án đang được nghiên cứu khả thi và dự kiến khởi công vào cuối năm 2022.
Ngoài những dự án đáng chú ý trên còn có nhiều dự án giao thông quan trọng khác sẽ được khởi công trong năm Nhâm Dần 2022. Có thể kể tới như Dự án Cầu Rạch miễu 2; Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... Với việc có hàng loạt dự án giao thông được khởi công, năm Nhâm Dần 2022 được chờ đợi sẽ tiếp tục là một năm đầy sôi động và đột phá trong công tác xây dựng hạ tầng giao thông của Bộ GTVT.
Đến năm 2030, chúng ta phải có 5.000km đường cao tốc. Trong khi hiện tại, chúng ta mới có 1.163km. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000km. Chúng tôi đã và đang rất tích cực triển khai. Nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2022 và những năm tiếp theo của ngành GTVT là phải cụ thể hóa được 5 quy hoạch ngành. Chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo “sân chơi” cho nguồn vốn xã hội hóa rót tiền đầu tư, triển khai các quy hoạch, tạo tiền đề phát triển cho đất nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
|