Phạt nguội giao thông qua tài khoản chủ phương tiện: Đề xuất hay để giảm ùn tắc giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đề xuất chủ phương tiện phải lập tài khoản ngân hàng để phạt nguội vi phạm giao thông được Bộ GTVT đưa ra vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến góp ý.

Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông đô thị của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về những tranh cãi và phương án giải quyết xung quanh đề xuất này.

Phat nguoi giao thong qua tai khoan chu phuong tien: De xuat hay de giam un tac giao thong - Hinh anh 1
 Cảnh sát giao thông Hà Nội giám sát hoạt động xử lý lái xe vi phạm qua hệ thống camera. Ảnh: Công Hùng

Nhiều cái lợi

Đề xuất của Bộ GTVT về việc lập tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện để phạt nguội khi vi phạm giao thông đã được đưa ra một thời gian nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính khả thi. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

- Đề xuất này có nhiều điểm hay và nên thực hiện. Việc chủ phương tiện phải có tài khoản ngân hàng để phạt nguội khi vi phạm giao thông là cách làm tiên tiến mà nhiều nước phát triển trên thế giới đều đang áp dụng.

Phạt nguội sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý và xử phạt vi phạm giao thông, giúp người vi phạm tiết kiệm thời gian đi nộp phạt và tăng cường tính răn đe của pháp luật trong đảm bảo ANTT, ATGT. Ngoài ra, cách làm này còn đảm bảo tính công bằng trong xử phạt vi phạm giao thông, tránh tình trạng người vi phạm bị bỏ lọt do cơ quan chức năng không thể bao quát được hết nếu vẫn áp dụng hình thức phạt thủ công như hiện nay.

Theo ông, tại sao đề xuất này vẫn vấp phải nhiều quan điểm trái chiều, phản đối như vậy?

- Những ý kiến trái chiều luôn luôn tồn tại trong xã hội, đặc biệt khi có một chủ trương, chính sách, cách làm mới được đưa ra. Trong xã hội có tình trạng, một chủ trương được rất nhiều người đồng thuận, nhưng thường thì chỉ những người phản đối lên tiếng, gây sự nhầm tưởng đó là quan điểm của đại đa số.

Lấy ví dụ như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với tất cả mọi người khi ngồi trên mô tô, xe máy năm 2007. Ban đầu dư luận cũng xôn xao, đưa ra rất nhiều ý kiến quan ngại rằng nhiều bất cập, khó thực hiện. Nhưng rồi sau đó khi chúng ta quyết tâm làm, giờ mọi chuyện đều đã tốt đẹp. Những người nêu ra ý kiến phản đối đều căn cứ vào thói quen của họ, cho nên họ thấy khó chấp nhận, khó thực hiện theo.

Như vậy, việc lập tài khoản ngân hàng cho chủ phương tiện để phạt nguội vi phạm giao thông là hoàn toàn ưu việt?

- Chủ trương, chính sách mới nào đưa ra cũng có hai mặt của nó. Ngoài những điểm tiến bộ, tiện ích đều đi đôi với những vật cản, hạn chế nhất định. Đề xuất của Bộ GTVT cũng không nằm ngoài quy luật này. Những ý kiến quan ngại về bất cập có thể nảy sinh khi áp dụng quy định này được đưa ra trong thời gian qua không phải là không có lý. 

Ví dụ như tính bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện có được đảm bảo hay không? Hay như đối với trường hợp DN cho thuê xe tự lái hoặc người cho mượn xe, khi vi phạm xảy ra thì sẽ xử lý như thế nào? Người thuê xe hoặc mượn xe phải chịu phạt hay chủ xe, chủ DN cho thuê xe phải chịu phạt?

Ngoài ra còn cả thói quen sử dụng tiền mặt trong Nhân dân vẫn còn phổ biến, điều này khiến cho việc phạt nguội qua tài khoản ngân hàng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là việc gì cũng có cái khó riêng, không thể cứ thấy khó mà không làm. Ngại khó mà không chịu thay đổi thì không bao giờ tiến bộ được.

Phạt nguội sẽ giảm ùn tắc giao thông

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trên theo ông cần giải pháp gì?

- Bài toán nào cũng có lời giải. Đối với đề xuất lập tài khoản ngân hàng cho chủ phương tiện để phạt nguội vi phạm giao thông cũng thế. Chẳng hạn như việc chủ DN cho thuê xe tự lái mà người thuê xe vi phạm giao thông, có một cách rất đơn giản để giải quyết. Trong quá trình làm hợp đồng cho thuê, DN có thể đặt ra yêu cầu người thuê xe phải đặt cọc trước một khoản tiền thế chấp nhằm phục vụ cho việc phạt nguội nếu trường hợp người thuê xe vi phạm giao thông và bị phạt nguội. Khoản tiền này chủ DN sẽ giữ trong thời gian từ 2 - 3 tháng. Sau đó, nếu xác định người thuê xe không bị phạt nguội sẽ hoàn trả lại cho họ.

Đối với trường hợp cho người khác mượn xe cũng thế. Ngay từ thời điểm người khác hỏi mượn xe, chủ phương tiện cần phải đưa ra giao kèo giữa hai bên, trong thời gian mượn xe nếu người mượn vi phạm giao thông, bị phạt nguội thì phải chịu trách nhiệm nộp phạt. Những người cho mượn xe thường có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nhau nên đưa ra giao kèo này để thực hiện không có gì phức tạp. Còn nếu trong trường hợp chủ phương tiện không tin tưởng giao xe cho người khác mượn cũng hoàn toàn có thể xem đây là cái cớ để không cho mượn xe nữa.

Một vấn đề khác nhận được khá nhiều ý kiến tranh cãi là lập tài khoản ngân hàng cho chủ phương tiện nên thực hiện như thế nào để tạo thuận lợi, đồng thời đảm bảo tính bảo mật thông tin tài khoản của họ.

Theo ông vấn đề này nên thực hiện như thế nào cho phù hợp?

- Việc lập tài khoản ngân hàng cho chủ phương tiện để phạt nguội đương nhiên sẽ tạo ra một số chi phí nhất định cho xã hội và có thể gây ra những phiền toái ban đầu cho người dân. Nhất là khi thói quen dùng tiền mặt trong dân vẫn còn phổ biến. Do đó, đầu tiên phía ngân hàng cần có sự hỗ trợ cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ phương tiện lập tài khoản. Phải thay đổi cách làm cho phù hợp để giúp đỡ người dân.

Còn việc chủ phương tiện cần lập tài khoản giao thông riêng hay sử dụng chính tài khoản ngân hàng chính của họ cho việc nộp phạt vi phạm giao thông, theo tôi nên để cho người dân tự do lựa chọn. Một người có thể có 2 - 3 tài khoản ngân hàng nhưng cũng có người chỉ có một tài khoản thôi. Nếu chủ phương tiện cho phép trừ tiền vi phạm từ tài khoản duy nhất của cá nhân mình thì cũng tốt, còn nếu muốn tách bạch rõ ràng, tiền nộp phạt vi phạm giao thông riêng ra cũng nên đáp ứng. Không nên bắt buộc ai cũng phải có riêng một tài khoản giao thông hoặc ai cũng phải nộp tiền xử phạt giao thông từ tài khoản ngân hàng chính của mình. Điều này sẽ khiến mất quyền tự do lựa chọn của người dân.

Việc phạt nguội bằng cách trừ tiền thẳng vào tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện đã được nhiều nước phát triển trên thế giới thực hiện và mang lại hiệu quả tốt. Nếu Việt Nam áp dụng cách làm này sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể nào đối với công tác đảm bảo ANTT và ATGT?

- Có nhiều trường hợp ùn tắc không do hạ tầng giao thông quá tải mà vì ý thức người tham gia giao thông. Tôi từng chứng kiến, tại nhiều nút giao vẫn còn đủ không gian để các phương tiện di chuyển nhưng do mỗi người đi một kiểu nên mới tắc đường. 

Tại các nút giao, với tình trạng tắc đường như thế, với số phương tiện tự do vi phạm giao thông như thế thì lực lượng chức năng có muốn xử phạt cũng không thể làm xuể. Nếu phạt nguội, với sự hỗ trợ của hệ thống camera, trong cùng một thời điểm có thể chụp được hàng chục biển số vi phạm, còn lực lượng chức năng chỉ việc chuyển biên lai phạt nguội đến các tài khoản để trừ tiền phạt. Điều này vừa tránh được tình trạng người vi phạm giao thông bị bỏ lọt, vừa tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông và góp phần giảm ùn tắc giao thông. 

Xin cảm ơn ông!

Quý Nguyễn/Kinhtedothi.vn

Tin liên quan